Kế hoạch 1961/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025" trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 1961/KH-UBND
Ngày ban hành 14/06/2021
Ngày có hiệu lực 14/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1961/KH-UBND

Kon Tum, ngày 14 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2019-2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025" (sau đây viết tắt là Đề án); Quyết định số 546/QĐ-UBDT ngày 09 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Dân tộc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án và các Văn bản hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc1; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

- Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong tỉnh và cả nước; chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

2. Yêu cầu

- Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

- Chú trọng việc lồng ghép việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2023

- Thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự. Từng bước kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin từ trung ương đến địa phương để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đến năm 2023, 100% người có uy tín, 90% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 80% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về pháp luật và các chính sách về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai; 90% đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt thông tin về an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống vùng dân tộc thiểu số.

- Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số: đảm bảo 30% các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện (Multi-media) và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đồng bào dân tộc thiểu số chủ động, không bị bất ngờ trong mọi tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Mục tiêu đến hết năm 2025

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc và các ứng dụng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu 100% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường. Các thông tin về lễ hội, phong tục tập quán, sản phẩm, vật phẩm tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước. Thúc đẩy đồng bào dân tộc ứng dụng công nghệ thông tin góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số.

- Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số: đảm bảo 50% các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện (Multi-media) và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng

- Xây dựng bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số, tập trung vào các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, các sản phẩm truyền thống.

- Triển khai hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý, khai thác và vận hành Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Kon Tum, Trang Thông tin điện tử các Sở, ngành thuộc tỉnh, Trang Thông tin điện tử UBND các huyện, thành phố, mạng xã hội… nhằm hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật, giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thực hiện hiệu quả Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-20252 nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện hiệu quả Đề án quản lý hạn hán trên địa bàn tỉnh3, tập trung theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, phục vụ tốt công tác cứu nạn cứu hộ trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

- Xây dựng và phát triển Bộ từ điển tiếng dân tộc điện tử; Trước mắt, triển khai đối với 04 thứ tiếng là Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng.

[...]