Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2023 triển khai xây dựng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 196/KH-UBND
Ngày ban hành 22/11/2023
Ngày có hiệu lực 22/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Phạm Anh Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/KH-UBND

Bình Định, ngày 22 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI XÂY DỰNG VỊ TRÍ VIỆC LÀM TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập và các Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương liên quan việc xây dựng Đề án vị trí việc làm;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh (viết tắt là cơ quan, đơn vị), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xây dựng vị trí việc làm là cơ sở để cơ quan, đơn vị rà soát lại cơ cấu tổ chức, cách thức bố trí, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; xác định vị trí việc làm trong tổ chức gắn với việc thực hiện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

b) Sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị phù hợp, đảm bảo cơ cấu ngạch, chức danh nghề nghiệp hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

c) Căn cứ Đề án vị trí việc làm được phê duyệt, cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển dụng, quản lý, đào tạo, kiểm tra, đánh giá, quy hoạch, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, bồi dưỡng... đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và góp phần thực hiện cải cách tiền lương hiệu quả.

2. Yêu cầu

a) Khi xây dựng vị trí việc làm phải xác định được đặc điểm, đặc thù, tính phức tạp và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cần thiết để thực hiện công việc, đảm bảo có tính chất phân hóa trong danh mục vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị.

Xác định một người làm việc phải được giao đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian lao động quy định. Những vị trí việc làm không có đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định của một người làm việc thì phải bố trí kiêm nhiệm, căn cứ để xác định yêu cầu vị trí việc làm là nhiệm vụ chính được giao.

b) Cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được xác định căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, mức độ phức tạp của công việc và số lượng biên chế công chức hoặc viên chức cần bố trí theo từng vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức chuyên ngành hoặc cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm.

c) Thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức với sử dụng và quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc và gắn với tinh giản biên chế theo giai đoạn.

d) Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, phù hợp với thực tiễn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM

1. Nguyên tắc xác định vị trí việc làm

a) Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, của pháp luật về vị trí việc làm, quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc.

b) Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị.

c) Bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp với sử dụng và quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc.

d) Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn.

đ) Gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

e) Phù hợp với chức danh cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Luật Cán bộ, công chức; quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức chính trị - xã hội; Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và quy định hiện hành của nhà nước.

2. Phân loại vị trí việc làm

a) Phân loại theo tính chất, nội dung công việc:

- Nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý;

- Nhóm vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành;

[...]