Kế hoạch 195/KH-UBND năm 2020 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 195/KH-UBND
Ngày ban hành 08/12/2020
Ngày có hiệu lực 08/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Long Hải
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 195/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 17/02/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình hành động số 153-CTr/TU ngày 21/7/2020 thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, như Kế hoạch hành động số 33/KH-UBND ngày 31/3/2016 về thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 22/9/2016 về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch hành động số 106/KH-UBND ngày 06/6/2019 thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 05/8/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ và Chương trình hành động số 153-CTr/TU ngày 21/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 10/8/2020 thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 154/KH- UBND ngày 10/9/2020 triển khai thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các Kế hoạch ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh hàng năm1.

UBND đã ban hành các Quyết định số 869/QĐ-UBND ngày 10/5/2018 phê duyệt Đề án triển khai Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 2312/QĐ-UBND ngày 10/11/2018 phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 1063/QĐ-UBND ngày 07/6/2019 về việc phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2025; Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 11/7/2020 ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý văn bản điện tử và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 1050/QĐ-UBND ngày 06/8/2020 về việc ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 11/9/2020 kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn.

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Mạng viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số trạm BTS là 2.537 trạm (trong đó 2G, 3G: 1.874 trạm, 4G: 663 trạm). 100% số xã có sóng di động 2G và 100% thị trấn, thành phố có sóng di động 3G, mạng internet băng rộng cáp quang triển khai đến 200/200 xã, phường, thị trấn.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cơ bản đáp ứng yêu cầu, 100% các cơ quan, đơn vị có kết nối internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được hoàn thiện; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị khối hành chính đạt 98,4% (cấp tỉnh và cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 95,3%).

100% các cơ quan, đơn vị được triển khai, kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng để ứng dụng cho hoạt động của Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.

Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư nâng cấp và duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ quản lý hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, lưu trữ dữ liệu dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của tỉnh, hệ thống phần mềm lưu trữ tài liệu lịch sử tỉnh, hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, hệ thống giám sát an toàn mạng thông tin, trang thông tin điện tử của các cơ quan và một số ứng dụng dùng chung, ứng dụng chuyên ngành khác.

III. CÁC HỆ THỐNG NỀN TẢNG

- Hoàn thành cập nhật Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn phiên bản 2.0.

- Hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) và kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch, CSDL cấp phiếu lý lịch tư pháp, CSDL cấp mã số ngân sách, CSDL đăng ký doanh nghiệp từ bộ, ngành Trung ương với CSDL của tỉnh qua Trục LGSP của tỉnh.

- Triển khai nâng cấp, mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp 2, hiện tại ứng dụng cho hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến liên thông 4 cấp.

- Triển khai tích hợp, đồng bộ dữ liệu 1.579 thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ. Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện liên thông đối với 267 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Triển khai thực hiện dịch vụ thanh toán trực tuyến DVCTT mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

IV. PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU

- Xây dựng CSDL, số hóa tài liệu tại Lưu trữ lịch sử tỉnh để bảo quản an toàn và tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ điện tử trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, tích hợp vào CSDL lưu trữ số quốc gia giai đoạn 2020 - 2030. Tổng số cơ sở dữ liệu lưu trữ được số hóa đến hiện tại với tổng số: 07 phông, 24.681 hồ sơ, 231.222 văn bản, 152.836 trang tài liệu số hóa. Đây là cơ sở dữ liệu được số hóa từ hồ sơ, tài liệu nền giấy của Lưu trữ lịch sử.

- Xây dựng CSDL thu - chi ngân sách phục vụ công tác tổng hợp quyết toán bảo đảm nhanh chóng, chính xác, đồng bộ, thống nhất trên toàn tỉnh Lạng Sơn, bao gồm các loại dữ liệu: dự toán thu, dự toán chi, kho dữ liệu thu, chi và dữ liệu quyết toán các đơn vị.

- Xây dựng hệ thống CSDL tài nguyên nước, khoáng sản tỉnh Lạng Sơn (gồm xây dựng CSDL tài nguyên nước, khoáng sản; xây dựng phần mềm quản lý tài nguyên nước; xây dựng phần mềm quản lý khoáng sản) để hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

- Hoàn thành xây dựng CSDL địa chính Elis phục vụ quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đã tích hợp được cơ sở dữ liệu địa chính của 151 xã vào phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai - ELIS CLOUD” đưa vào hoạt động phục vụ quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện dự án xây dựng CSDL quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh và CSDL lưu trữ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Lạng Sơn.

- 100% các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh đã kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống CSDL Dược quốc gia. Triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử theo kế hoạch của Bộ Y tế, 100% các trạm y tế xã/phường/thị trấn tổ chức khám và lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

- Xây dựng, phát triển các CSDL, phần mềm chuyên ngành trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn2. Đa số các phần mềm đáp ứng yêu cầu công việc, sử dụng ổn định, dễ dàng xử lý, tra cứu thống kê nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.

V. CÁC ỨNG DỤNG, DỊCH VỤ

1. Hiện trạng ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước

- Cổng thông tin điện tử tỉnh bao gồm Cổng chính và 33 Trang thông tin điện tử thành viên thường xuyên cập nhật và cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định. Hỗ trợ truy cập thuận tiện cho các thiết bị di động. Hoạt động của Cổng thông tin điện tử được duy trì ổn định, thông suốt, hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

[...]