Kế hoạch 1948/KH-UBND thực hiện “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Hà Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” của tỉnh Hà Nam

Số hiệu 1948/KH-UBND
Ngày ban hành 09/11/2012
Ngày có hiệu lực 09/11/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1948/KH-UBND

Hà Nam, ngày 09 tháng 11 năm 2012

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020”

A. MỞ ĐẦU

Trong thập kỷ qua, cùng với công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, Hà Nam đã có bước phát triển mới trên các phương diện; công tác dinh dưỡng tỉnh Hà Nam đã được sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của các cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực của Ngành Y tế. Vì vậy, hầu hết các hoạt động chủ đạo của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2001-2010 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra như tỷ lệ suy sinh dưỡng thể nhẹ cân trẻ em dưới 5 tuổi giảm nhanh và liên tục từ 33,7% năm 2000 xuống còn 16,8% năm 2011; tình trạng thiếu vi chất của cộng đồng được cải thiện thông qua tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 36 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao an toàn, không tai biến thường xuyên đạt tỷ lệ từ 99-100%.

Song song với các thành tựu đã đạt được, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn đòi hỏi cần phải được giải quyết, đó là tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm chậm và còn ở mức cao (32,1% năm 2000 và 26,3% năm 2011). Đồng thời, ở một bộ phận nhân dân, nhất là học sinh lứa tuổi học đường đã xuất hiện tình trạng thừa cân béo phì và đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố, các hoạt động phòng chống các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng, tư vấn dinh dưỡng, hệ thống dinh dưỡng lâm sàng, tiết chế trong bệnh viện và dinh duỡng học đường còn gặp nhiều khó khăn chưa được triển khai đồng bộ do thiếu nguồn lực v.v. Mặt khác, chất lượng mạng lưới chuyên trách dinh dưỡng từ tỉnh tới cơ sở, nhất là các cộng tác viên dinh dưỡng chưa được đào tạo chuyên sâu, hay biến động, kiêm nhiệm nhiều chương trình; kinh phí đầu tư cho hoạt động còn hạn chế chưa phù hợp với thời giá. Các thách thức trong bối cảnh mới tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực cao trong hành động, hướng tới dinh dưỡng hợp lý góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong thời kỳ mới.

Vì vậy, đầu tư cho dinh dưỡng là đầu tư cho nguồn nhân lực có đủ sức khoẻ, trí tuệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Do đó, đầu tư cho dinh dưỡng cũng là đầu tư cho sự phát triển. Đồng thời, góp phần đảm bảo sự công bằng xã hội, nâng cao và đồng đều chất lượng của dân số trong những giai đoạn tới. Mặt khác, đầu tư cho dinh dưỡng là thực hiện quyền của trẻ em, thực hiện bình đẳng về giới và tạo cơ hội cho mọi người dân có ý thức thúc đẩy mọi người, mọi gia đình cùng tham gia. Kế hoạch hành động Giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Hà Nam thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm duy trì thành tựu đã đạt được, giải quyết các vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh, tiếp tục cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

B. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ, VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

1. Cơ sở pháp lý

- Nghị quyết 37/CP ngày 20 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ về định hướng chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã nêu ra các chỉ tiêu cơ bản về sức khoẻ của nhân dân ta đến năm 2020, trong đó có chỉ tiêu về dinh dưỡng: "Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 15% vào năm 2020 và chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đạt 1m 65 vào năm 2020".

- Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Những vấn đề cần giải quyết

- Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý cho mọi tầng lớp nhân dân.

- Duy trì bền vững và cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi và bà mẹ, nhất là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi.

- Duy trì và cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ.

- Từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng người trưởng thành.

- Tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân.

- Củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng, cơ sở y tế, bệnh viện và trường học.

3. Tầm nhìn đến năm 2020

- Phấn đấu giảm suy dinh dưỡng trẻ em xuống dưới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2020 dưới 23%, đến năm 2030 dưới 20% và suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2020 dưới 13%, đến năm 2030 dưới 10%), tầm vóc người Hà Nam được cải thiện rõ rệt.

- Nhận thức và hành vi về dinh dưỡng hợp lý của người dân được nâng cao nhằm dự phòng các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng đang có khuynh hướng gia tăng.

- Từng bước giám sát thực phẩm tiêu thụ hàng ngày nhằm có được bữa ăn cân đối và hợp lý về dinh dưỡng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cơ thể và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi đối tượng nhân dân, đặc biệt là trẻ em tuổi học đường.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2015, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh; suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt thể thấp còi được giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

2. Mục tiêu cụ thể: Ưu tiên theo thứ tự

2.1. Mục tiêu 1: Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý.

* Chỉ tiêu:

[...]