Kế hoạch 192/KH-UBND năm 2024 thực hiện cao điểm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 192/KH-UBND
Ngày ban hành 04/09/2024
Ngày có hiệu lực 04/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lê Văn Sử
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/KH-UBND

Cà Mau, ngày 04 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CAO ĐIỂM CHỐNG KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH (IUU) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10/5/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; tình hình thực tế tại địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cao điểm chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Mở đợt tuyên truyền các quy định pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; tổ chức quán triệt các quy định, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia công tác chống khai thác IUU. Đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10/5/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tập trung hoàn thành nhiệm vụ số hóa từng phương tiện thuộc nhóm nguy cơ cao; thực hiện hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kể cả tàu “03 không”, tàu hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép; xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm hình sự, vi phạm hành chính liên quan đến IUU.

2. Yêu cầu

- Công tác tuyên truyền phải đảm bảo cho nhân dân biết được các quy định mới, các đối tượng có nguy cơ cao phải ký cam kết không vi phạm; công tác quán triệt, hướng dẫn phải đảm bảo cho cán bộ chuyên môn, các ngành, đoàn thể nắm chắc, áp dụng chính xác các quy định, biết ứng dụng công nghệ thông tin và có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.

- Hồ sơ số hóa phải đảm bảo chặt chẽ đối với từng phương tiện cụ thể, phải truy đến cùng thực trạng của phương tiện, chỉ xếp hồ sơ xóa bộ khi phương tiện không còn hoạt động trên thực tế; phải hoàn thành đăng ký, đăng kiểm 100% phương tiện khi đủ điều kiện.

- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tập trung xử lý dứt điểm các phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm trong quản lý, sử dụng thiết bị VMS.

- Các nội dung không nêu tại Kế hoạch này, thực hiện đúng Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10/5/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Huy động lực lượng, tổ chức hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thực hiện quản lý tàu cá

- Huy động tối đa cán bộ chuyên môn, cán bộ các ngành, đoàn thể cấp xã; phân công cán bộ các ngành chuyên môn cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Văn hóa - Thông tin, Công an huyện, các Đồn Biên phòng trên địa bàn) hỗ trợ chính quyền cơ sở; phân công cán bộ chuyên môn các ngành: Nông nghiệp, Thông tin - Truyền thông, Tư pháp, Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh hỗ trợ cho cấp huyện, cấp xã. Tùy theo số lượng phương tiện thuộc các nhóm nguy cơ cao (số tàu phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm mới; số tàu gia hạn đăng kiểm, giấy phép hoạt động; số tàu sang bán, chưa sang tên; số tàu xóa bộ từ năm 2022 đến nay; số tàu mất kết nối trong bờ, tàu nằm bờ,...) phải điều tra, xác minh, lập hồ sơ số hóa ở mỗi xã, thị trấn để bố trí số lượng cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện hỗ trợ, số lượng cán bộ cấp xã tham gia số hóa và duy trì quản lý sau số hóa (giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định số lượng tàu bình quân cho mỗi cán bộ thực hiện số hóa và quản lý sau khi đã số hóa; phối hợp các ngành, địa phương lập danh sách cán bộ thực hiện cụ thể theo địa bàn từng xã).

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ quản lý tàu cá, lập hồ sơ số hóa phương tiện thuộc nhóm nguy cơ cao cho các lực lượng tham gia. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn trực tiếp và trực tuyến cho toàn bộ lực lượng tham gia trước; sau đó cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp hướng dẫn và phối hợp hỗ trợ cho cán bộ cấp xã thực hiện hướng dẫn đăng ký, đăng kiểm, điều tra, xác minh lập hồ sơ số hóa trực tiếp đối với từng nhóm phương tiện.

2. Tuyên truyền quy định pháp luật, tổ chức ký cam kết không vi phạm khai thác IUU

- Tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đến các cấp, ngành, chính quyền và cộng đồng ngư dân biết, chấp hành theo quy định.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các lực lượng tham gia đợt cao điểm kiểm tra chống khai thác IUU và các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác số hóa IUU, cán bộ tham gia thống kê sản lượng thủy sản khai thác về: hồ sơ, cách thức thực hiện số hóa hồ sơ lên phần mềm số hóa IUU: tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm; tàu cá mất tích; tàu cá “03 không”; tàu cá mất tín hiệu kết nối từ 10 ngày trở lên; tàu cá vượt ranh giới; thống kê sản lượng thủy sản khai thác,...

- Biên soạn tài liệu, chuẩn bị nội dung hướng dẫn cụ thể về thành phần hồ sơ, thao tác thực hiện trên phần mềm số hóa, những điều cần lưu ý khi thực hiện số hóa IUU để tránh gây lỗi cho phần mềm,...

- Tổ chức ký cam kết cho các chủ tàu/thuyền trưởng không vi phạm theo quy định (nếu chưa ký cam kết) và lưu trữ, số hóa hồ sơ cam kết chặt chẽ, dễ truy xuất để phục vụ công tác chuyên môn khi cần thiết.

3. Lập hồ sơ số hoá các nhóm tàu cá nguy cơ cao (tàu sang bán chưa sang tên, tàu nằm bờ, tàu xóa đăng ký từ năm 2022 đến nay, tàu hết hạn giấy phép khai thác, hết hạn đăng kiểm,...)

Thực hiện công tác số hóa IUU 100% đối với các tàu cá hết hạn giấy phép khai thác, hết hạn đăng kiểm, tàu cá mất kết nối, tàu cá sang bán nhưng chưa sang tên, tàu cá vượt ranh giới,... lập hồ sơ, có biện pháp theo dõi, quản lý đối với từng đối tượng cụ thể để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

4. Thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá “03 không”, tàu hết hạn giấy phép khai thác, hết hạn đăng kiểm

Tổ chức làm việc, trực tiếp hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép, sang bán, chuyển nhượng đúng quy định. Đối với nhóm tàu cá “03 không”: kiểm tra, phân nhóm, phân loại, đẩy nhanh tiến độ đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép; nắm chắc thực trạng, vị trí neo đậu, giám sát chặt chẽ không để tàu cá ra biển hoạt động.

5. Công tác xử lý vi phạm

Tăng cường công tác xử lý vi phạm (xử lý hành chính, hình sự), xử lý 100% tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới, tàu hết hạn giấy phép, tàu hết hạn đăng kiểm còn hoạt động trên biển, không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định, tàu thuộc diện giải bản nhưng vẫn hoạt động; điều tra, làm việc trực tiếp với chủ tàu nghi vấn và đấu tranh, chứng minh (không nhất thiết phải phát hiện quả tang, bắt và tạm giữ tang vật, vật chứng vi phạm là thiết bị giám sát hành trình đã tháo,...) nhằm cảnh báo, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá tháo, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá khác, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (bị nước ngoài bắt giữ, lực lượng chức năng trong nước phát hiện bắt giữ).

6. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của cảng cá tư nhân

Tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của cảng cá tư nhân, nhất là việc kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng tư nhân, nhật ký khai thác thủy sản,... tổng hợp vào kết quả chung của tỉnh; rà soát, hướng dẫn chủ các bến cá tư nhân đủ điều kiện lập hồ sơ, thủ tục để trình cấp thẩm quyền công bố mở cảng theo quy định.

[...]