Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 111/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 52/NQ-CP và Chương trình hành động về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản do tỉnh Cà Mau ban hành

Số hiệu 111/KH-UBND
Ngày ban hành 10/05/2024
Ngày có hiệu lực 10/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lê Văn Sử
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/KH-UBND

Cà Mau, ngày 10 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 52/NQ-CP NGÀY 22/4/2024 VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ CHỐNG KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO, KHÔNG THEO QUY ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH THỦY SẢN

Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản; Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 52/NQ-CP) và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.

- Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

- Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển của tỉnh; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

- Tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ chủ trương, giải pháp bảo đảm công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

- Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần xây dựng, cụ thể hóa thành kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 5 năm 2024

1.1. Công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản

- Tiếp tục truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật chống khai thác lưu cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan bằng hình thức phù hợp. Tập trung nêu gương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt về việc chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh; phê phán các hành vi vi phạm quy định chống khai thác lưu, các vụ việc vi phạm bị truy tố, xét xử, xử phạt vi phạm hành chính. Vận động ngư dân tự nguyện thực hiện thủ tục sang tên, chuyển nhượng, mua bán tàu cá đúng quy định, nhằm bảo vệ lợi ích của chủ tàu, ngư dân trong trường hợp tàu cá vi phạm khi hoạt động khai thác thủy sản.

- Tích cực tuyên truyền, vận động tại cơ sở để kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa nhằm ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân có ý định vi phạm, đặc biệt là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

1.2. Công tác quản lý và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá

- Tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn đảm bảo nắm chắc thực trạng (số lượng tàu, tàu cá đã hoặc hết hạn đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký; tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá chưa lắp thiết bị VMS,...); xử lý nghiêm, triệt để theo quy định đối với tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản; hướng dẫn chủ tàu thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá và xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu cố tình không thực hiện theo đúng quy định.

- Tổ chức làm việc, trực tiếp hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

- Đối với nhóm tàu cá “03 không”: kiểm tra, rà soát chính xác số lượng, phân nhóm, phân loại tàu cá phát sinh; nắm chắc thực trạng, vị trí neo đậu, giám sát chặt chẽ không để tàu cá ra biển hoạt động.

- Cập nhật, theo dõi, lập danh sách 100% các tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thường xuyên bị mất tín hiệu kết nối (không báo cáo vị trí 06 giờ một lần, mất kết nối quá 10 ngày không đưa tàu về bờ, mất kết nối trên 06 tháng, 01 năm), tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam, tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm; lập hồ sơ, có biện pháp theo dõi, quản lý đối với từng đối tượng cụ thể để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông để tuyên truyền, giáo dục.

- Tiếp tục thực hiện tốt các Quy chế phối hợp đã ký kết với các tỉnh ven biển và lực lượng chức năng, để quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động ngoài tỉnh và tàu cá của tỉnh khác hoạt động trên địa bàn tỉnh; các kênh chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các địa phương có liên quan, để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU.

- Kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến tại Trạm kiểm soát Biên phòng; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá (kể cả bến cá tư nhân) theo đúng quy định, đảm bảo xuất nhập bến phải đầy đủ giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá), đặc biệt thiết bị VMS trên tàu hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng.

- Tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển, cửa biển, cửa sông, kiên quyết không cho ra biển hoạt động đối với tàu cá không đủ điều kiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời, xử lý nghiêm đối với các cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các Cảng cá, Văn phòng IUU và Trạm kiểm soát Biên phòng.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, kiểm soát tàu cá của tỉnh thông qua 03 phần mềm: (1) phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá để đảm bảo khi tàu cá ra, vào cửa biển phải có sự kiểm soát của Cảng cá, Văn phòng IUU và Trạm kiểm soát Biên phòng; (2) ứng dụng Bảng dữ liệu Excel Online trên nền tảng Google Sheets để các địa phương báo cáo, lưu trữ dữ liệu về công tác chống khai thác IUU (phần mềm số hóa dữ liệu IUU); (3) phần mềm Cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Đảm bảo 100% các hoạt động của tàu cá được kiểm soát (hết hạn giấy phép khai thác, hết hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá “03 không”, mất kết nối trong bờ, ngoài biển, vượt ranh giới, ra vào Trạm kiểm soát Biên phòng, kiểm soát sản lượng,...).

1.3. Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác

- Triển khai thực hiện giám sát thủy sản qua cảng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2018 và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với cảng cá được chỉ định.

[...]