Kế hoạch 19/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1944/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 19/KH-UBND
Ngày ban hành 06/01/2022
Ngày có hiệu lực 06/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 06 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1944/QĐ-TTG NGÀY 18/11/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 13-KL/TW NGÀY 16/8/2021 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 48-CT/TW NGÀY 22/10/2010 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA X) VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG TÌNH HÌNH MỚI VÀ CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM GIAI ĐOẠN 2016 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (Kết luận số 13-KL/TW) và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chương trình PCTP), Kế hoạch số 37-KH/TU, ngày 10/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Bình về thực hiện Kết luận số 13-KL/TW, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

1.1. Chủ động phòng ngừa, tiếp tục làm giảm tội phạm, năm sau giảm so với năm trước; giảm tỷ lệ tái phạm tội; giảm ít nhất 5% các tội phạm xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm hằng năm đạt trên 80%; các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số vụ án khởi tố. Bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã hiện có và phấn đấu bắt 50% số đối tượng truy nã phát sinh.

1.2. Bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố, bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Nâng cao chất lượng xét xử, tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%. Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

1.3. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tiêu cực, nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; nâng tỷ lệ thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 60%; bảo đảm 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đều được chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

1.4. Tập trung thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), phấn đấu tỷ lệ chuyển hóa thành công hằng năm đạt từ 60% trở lên; 85% các địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại.

1.5. Kiện toàn các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm (PCTP) đảm bảo gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đi vào thực chất; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, cơ quan bảo vệ pháp luật đảm bảo năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

2. Yêu cầu

2.1. Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân PCTP, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác đấu tranh PCTP, coi công tác đấu tranh PCTP vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài.

2.2. Xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng sở, ban, ngành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTP và vi phạm pháp luật, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm TTATXH, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Trước mắt, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, không để gia tăng do tác động của dịch bệnh Covid-19.

2.3. Triển khai cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong công tác PCTP; gắn việc thực hiện Kết luận số 13-KL/TW, Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Chương trình PCTP; với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác phù hợp với đặc điểm từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

2.4. Việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình PCTP phải được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, thiết thực, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCTP

1.1. Tổ chức phổ biến, quán triệt Kết luận số 13-KL/TW, Chỉ thị số 48-CT/TW, Kế hoạch số 37/KH-TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thống nhất nhận thức và hành động. Xác định rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCTP trong tình hình mới là một trong những nội dung trong chương trình hoạt động thường xuyên, liên tục của các cấp; gắn kết chặt chẽ công tác PCTP với triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1.2. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thủ trưởng các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác PCTP. Củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong công tác PCTP.

1.3. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị, địa phương; lồng ghép với việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch PCTP, bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) của Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCTP của Chính phủ, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh ở địa phương.

1.4. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo 138 các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, gắn với trách nhiệm quản lý từng địa bàn, lĩnh vực. Chú trọng công tác tổ chức, bố trí, sắp xếp cán bộ, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia PCTP.

1.5. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở những nơi để tội phạm tăng, phức tạp, lộng hành, kéo dài nhưng không có biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để gây bức xúc trong Nhân dân. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách trong công tác PCTP, luôn nỗ lực hành động vì mục đích chung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021.

1.6. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 13-KL/TW, Chiến lược quốc gia PCTP, Chương trình PCTP tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, thường xuyên rà soát, tổ chức đánh giá, sơ tổng kết rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nhiệm vụ PCTP, từ đó chủ động đề ra giải pháp thực hiện có hiệu quả các nội dung công tác PCTP theo từng năm cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTP

2.1. Thực hiện có hiệu quả các hình thức tuyên truyền PCTP, nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, người lao động, học sinh, sinh viên... ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, vùng biển.

2.2. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, đấu tranh phản bác mạnh mẽ những quan điểm, tư tưởng sai trái, xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết quả công tác PCTP bảo đảm ANTT.

2.3. Chú trọng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ số, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, người có uy tín, có ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư... để phối hợp tuyên truyền, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau.

2.4. Triển khai các đợt cao điểm truyền thông PCTP nói chung, từng loại tội phạm nói riêng, như: Tội phạm liên quan hoạt động “tín dụng đen”, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người,... Tổ chức tuyên truyền PCTP trong các cơ sở giáo dục, đào tạo phù hợp với quy định hiện hành.

[...]