Kế hoạch 1867/KH-UBND về khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Gia Lai (PCI) năm 2022 và các năm tiếp theo

Số hiệu 1867/KH-UBND
Ngày ban hành 19/08/2022
Ngày có hiệu lực 19/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Hồ Phước Thành
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1867/KH-UBND

Gia Lai, ngày 19 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC, NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA TỈNH GIA LAI (PCI) NĂM 2022 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó cải thiện điểm số và thứ hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và các năm tiếp theo; UBND tỉnh ban hành kế hoạch như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ một cách đồng bộ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, qua đó cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.

- Kịp thời khắc phục, cải thiện chỉ số còn thấp điểm, góp phần tăng vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); một mặt góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

- Nâng cao chất lượng, quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước; các sở, ban, ngành, địa phương; hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở chuyển biến mạnh mẽ thái độ phục vụ, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu đưa các chỉ số thành phần, các chỉ số con thuộc chỉ số thành phần của PCI Gia Lai năm 2022 và các năm tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.

2. Yêu cầu

- Gắn nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh với việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị; thực hiện toàn diện, có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ này; thường xuyên theo dõi việc triển khai các nhiệm vụ; gắn cải cách hành chính với cải thiện môi trường kinh doanh. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu cụ thể cấu thành lên mỗi chỉ số thành phần của PCI. Thực hiện các giải pháp phải trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tế và mang tính khả thi cao. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo toàn diện, thống nhất trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, chất lượng hoạt động công vụ.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp; nắm bắt, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

- Tập trung đẩy mạnh khai thác, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, giải quyết thủ tục hành chính để giảm thiểu tối đa các chi phí phát sinh về thời gian và tài chính cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại tỉnh.

II. MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu

Nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ doanh nghiệp, từ đó tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào hệ thống chính quyền, tăng động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cũng chính là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Phấn đấu chỉ số PCI tỉnh Gia Lai năm 2022 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất cả nước.

2. Giải pháp

- Các sở, ngành đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì các chỉ số con có mức xếp hạng cao; tập trung các giải pháp cải thiện các chỉ số con có mức xếp hạng thấp, lấy mục tiêu cao nhất để phấn đấu, đặc biệt là các chỉ số con là biến mới năm 2021.

- Tập trung phấn đấu cải thiện 10 chỉ số thành phần, đặc biệt là phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc (của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố) phụ trách đầy đủ 142 chỉ số con thuộc 10 chỉ số thành phần PCI.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp. Chú trọng trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giám sát cán bộ cấp dưới trong thực thi công vụ, tiếp xúc, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, người dân.

- Tăng cường hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh đến địa phương; rút ngắn khoảng cách và đảm bảo sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh được thực thi nghiêm túc ở cấp sở, ngành, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện của cơ quan, đơn vị, xử lý kịp thời các vấn đề phát hiện qua kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

- Xây dựng trang thông tin điện tử minh bạch với tất các các thông tin liên quan đến hoạt động của các sở, ban, ngành, địa phương; phục vụ tra cứu, tìm hiểu hoặc tham gia đóng góp ý kiến của người dân và doanh nghiệp; tập trung nhân lực cho chuyên mục hỏi đáp trên trang website, trả lời ngay khi người dân và doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị. Tích cực nắm bắt, giải quyết những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp phản ánh ý kiến, phản hồi về hoạt động của các sở, ban, ngành và địa phương, nhất là phản ánh về tình trạng thiếu trách nhiệm, tiêu cực, nhũng nhiễu, xử lý nghiêm hành vi xử lý công việc trái quy định, gây chậm trễ, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm.

- Tiếp tục rà soát và công khai minh bạch các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm đơn giản hoá, giảm các TTHC không cần thiết và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC theo hướng phấn đấu giảm thời gian thực hiện từ 30-70% so với quy định của pháp luật. Tăng cường thực hiện giải quyết TTHC trực tiếp sang giải quyết bằng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo đúng thời gian và trước thời hạn các TTHC trực tuyến; kết quả giải quyết được gửi đến người dân, doanh nghiệp thông qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm giảm thời gian đi lại. Cải cách quy trình nhận và trả kết quả, phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên hỗ trợ cán bộ tiếp nhận hồ sơ (nhân viên Bưu điện) để gián tiếp hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ ngay từ đầu, hạn chế được hồ sơ bị chỉnh sửa nhiều lần. Đẩy mạnh đăng ký qua mạng theo hướng chú trọng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin cho doanh nghiệp biết và hiểu được sự tiện ích cũng như thuận tiện của việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng trực tiếp hoặc gián tiếp (qua email, trực tuyến qua zalo, viber,...).

- Thực hiện triển khai 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện để cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4 tại trang Dịch vụ công của tỉnh (http://dichvucong.gialai.gov.vn) và qua Zalo Official Account “Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai”; tăng cường sử dụng dịch vụ bưu chính công ích (BCCI); góp phần tạo thói quen và giúp người dân và doanh nghiệp hiểu được lợi ích của DVCTT và BCCI; hạn chế nộp hồ sơ giấy trong giải quyết TTHC”.

- Phát huy và nâng cao hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm thiểu tình trạng tiếp xúc trực tiếp, không phát sinh chi phí không chính thức, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

- Các sở, ngành, địa phương thường xuyên quán triệt, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ công chức để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý theo quy định và thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân vi phạm các quy định trong thực thi công vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ công chức, viên chức về trách nhiệm, tác phong, năng lực trong thực thi công vụ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

- Tạo các điều kiện, hành lang, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đối với các hội nghị sơ kết, tổng kết, các hội nghị lớn, quan trọng, khi xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cần quan tâm mời, lấy ý kiến của các chi hội doanh nghiệp, doanh nhân ở địa phương. Tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp hằng năm, tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp để lắng nghe, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhất là tác động của đại dịch Covid-19. Nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong việc kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, hình thành cầu nối cho sự phát triển của doanh nghiệp; thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp nắm bắt và có hướng tháo gỡ, xử lý kịp thời các nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và Website về kết quả tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước sẽ cùng chung tay cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

- Chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc không còn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực thi nhiệm vụ đảm bảo nghiêm minh, theo đúng quy trình, quy định; giải quyết dứt điểm, kịp thời, thỏa đáng, đúng thẩm quyền các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp, người dân.

[...]