Kế hoạch 186/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 186/KH-UBND
Ngày ban hành 18/08/2022
Ngày có hiệu lực 18/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Sơn Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 186/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 18 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 - 2025, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Mục tiêu tổng quát

Hỗ trợ thúc đẩy việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là doanh nghiệp SMEs) thông qua việc áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 - 2025

a) Đến năm 2025, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu chuyển đổi số được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; được kết nối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số.

b) Tối thiểu 1.000 doanh nghiệp SMEs/năm được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp.

c) Phấn đấu đến năm 2025 có 20% doanh nghiệp thuộc tỉnh và trên 10% doanh nghiệp SMEs trên địa bàn tỉnh hoàn thành chuyển dịch lên nền tảng số.

3. Đối tượng áp dụng

a) Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

b) Các doanh nghiệp nền tảng số, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, viện, trường có các công nghệ số, nền tảng số, và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI

1. Hoạt động tuyên truyền, truyền thông

a) Tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng về các hoạt động của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số và Kế hoạch này đến cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua các tài liệu, ấn phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang thông tin điện tử, các hội thảo, hội nghị có nội dung liên quan đến hoạt động chuyển đổi số và các hình thức khác.

b) Phối hợp với các tổ chức, chuyên gia, hiệp hội ngành nghề triển khai tổ chức các hội thảo, hội nghị về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SMEs theo ngành, lĩnh vực, địa phương.

c) Tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số, tập huấn khai thác ứng dụng các nền tảng chuyển đổi số trong các hội thảo, đào tạo, diễn đàn về khởi nghiệp sáng tạo; tư vấn, định hướng về chuyển đổi số cho các dự án khởi nghiệp, ưu tiên hỗ trợ các dự án khởi nghiệp công nghệ số.

d) Tăng cường kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các thông tin xấu, độc hại hoặc sai sự thật về các nội dung của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

đ) Vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia Chương trình, sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số tại địa chỉ http://smedx.vn http://smedx.mic.gov.vn.

2. Hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs trên địa bàn tỉnh triển khai chuyển đổi số

a) Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp SMEs về chuyển đổi số.

b) Tổ chức, hợp tác với các chuyên gia trong nước và quốc tế về chuyển đổi số nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho các doanh nghiệp SMEs.

c) Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, xử lý thủ tục hành chính. Đẩy mạnh các hoạt động tương tác giữa người dân với doanh nghiệp qua các kênh giao tiếp qua mạng như các kênh chính thức của tỉnh, cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, ứng dụng trên điện thoại di động,...

d) Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử, website có chức năng thương mại điện tử, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung - cầu theo từng ngành/lĩnh vực. Các doanh nghiệp SMEs phù hợp sẽ được hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP hoặc Gian hàng Việt của Bộ Công Thương.

đ) Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs sử dụng các nền tảng số tham gia Chương trình để chuyển đổi số.

3. Khen thưởng, vinh danh các doanh nghiệp chuyển đổi số tiêu biểu:

Đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp SMEs điển hình có bước phát triển chuyển đổi số mạnh mẽ hằng năm theo Đề án “Xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số (Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ Thông tin và truyền thông). Doanh nghiệp tự đánh giá (trên trang dbi.gov.vn), gửi kết quả về Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá thẩm định, đề xuất vinh danh và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Thực hiện truyền thông về mô hình chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp để làm bài học kinh nghiệm, lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.

[...]