Kế hoạch 1841/KH-UBND thực hiện phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 1841/KH-UBND
Ngày ban hành 20/05/2020
Ngày có hiệu lực 20/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1841/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2020 CỦA ỦY BAN QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Trong năm 2019, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, có sự gia tăng đột biến về số lượng ma túy thu giữ, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường khám phá nhiều vụ án ma túy lớn (có vụ thu giữ đến 1,1 tấn ma túy) nhưng nguồn ma túy đưa vào thành phố tiếp tục tăng (vụ sau cao hơn vụ trước). Đường đi của ma túy từ các nước Mỹ - La tinh, Châu Âu, khu vực Tam Giác Vàng vào Việt Nam được ngụy trang, cất giấu trong hàng hóa để tái xuất đi các nước khác, một phần tiêu thụ tại thành phố. Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả chưa cao, phần lớn người nghiện, gia đình người nghiện chưa tự giác khai báo tình trạng nghiện và đăng ký cai nghiện, số người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố có hồ sơ quản lý tăng; người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá). Đối tượng sử dụng ma túy có tiền án, tiền sự tăng, nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma túy gây ra các loại án xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu với tính chất liều lĩnh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Tình hình tệ nạn mại dâm vẫn còn phát sinh tại một số tụ điểm, tuyến đường nơi công cộng, tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ, phổ biến nhất là các hoạt động khiêu dâm, kích dục; đồng thời các nhóm tội phạm lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, điện thoại thông minh để tổ chức mua bán dâm, xuất hiện thủ đoạn tổ chức dàn cảnh gái bán dâm đưa khách vào khách sạn, phòng trọ đã được chuẩn bị trước, thiết kế phòng có lối thông sang phòng bên cạnh để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Tình hình dịch HIV trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới) suy giảm trong những năm qua nhưng vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng nhẹ qua đường tình dục (trên nhóm phụ nữ mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới).

Thực hiện Công văn số 2420/VPCP-KGVX ngày 28 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm (sau đây gọi tắt là Ủy ban Quốc gia) và các văn bản chỉ đạo của Trung ương; căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố đề ra Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và huy động sự tham gia tích cực của các Sở - ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; đẩy mạnh giáo dục nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn thành phố.

2. Nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, đấu tranh, tăng số vụ phát hiện, xử lý về tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm; kịp thời phát hiện và xử lý người loạn thần do lạm dụng ma túy. Thực hiện tốt công tác quản lý, thống kê người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố; duy trì tốt việc kiểm tra, lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tiếp tục rà soát, chấm chọn các địa bàn phức tạp về ma túy, tệ nạn xã hội để tập trung chuyển hóa.

3. Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,6%, khống chế tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,03%; bình thường hóa bệnh HIV/AIDS, tạo môi trường thuận lợi cung cấp các dịch vụ thân thiện, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS; tiếp tục góp phần giảm tác hại của HIV/AIDS; tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 90-90-90([1]) năm 2020.

4. Đảm bảo bố trí nguồn kinh phí và huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Quốc gia trên địa bàn thành phố.

II. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Quốc gia tại Công văn số 2420/VPCP-KGVX ngày 28 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị([2]), Thủ tướng Chính phủ([3]), Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện Kết luận số 95-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” và các văn bản tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân thành phố([4]).

2. Các Sở - ngành, quận, huyện tập trung chỉ đạo rà soát các nội dung, giải pháp thực hiện các chương trình, kế hoạch của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm để đề ra kế hoạch thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, đơn vị; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị tham gia nhằm đạt mục tiêu nhanh chóng kéo giảm rõ rệt tình hình phức tạp về tội phạm, tệ nạn xã hội và dịch HIV, tạo môi trường bình yên, thuận lợi cho đầu tư, phát triển và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy([5]), mại dâm bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng cụ thể để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, trong đó tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm phức tạp, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: học sinh, sinh viên, người lao động không có việc làm ổn định, các chủ cơ sở và nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho công chức, viên chức, nhân viên đang làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn thành phố.

4. Đánh giá sơ kết thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

5. Xây dựng Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố. Triển khai Chương trình tăng cường quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy đến năm 2025; Chương trình nâng cấp các cơ sở cai nghiện ma túy và phát triển các điểm vệ tinh tại cộng đồng (từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025).

6. Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống ma túy. Tổ chức điều tra, rà soát, thống kê, theo dõi, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố; lập danh sách và có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng nghiện ma túy nặng, có dấu hiệu rối loạn tâm thần, “ngáo đá”... để phòng ngừa các hành vi nguy hại cho xã hội.

7. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, hướng thần cả trong xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, kịp thời ngăn chặn không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy trên địa bàn thành phố.

8. Tiếp tục triển khai điều trị, cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy nhóm Opiates; can thiệp, điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS) theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm kiểm soát hành vi loạn thần, hoang tưởng, gây hậu quả cho xã hội.

9. Thực hiện đa dạng các mô hình điều trị nghiện ma túy; đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy.

10. Tổ chức kiểm tra đánh giá về xây dựng phường, xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm; trong đó đánh giá, làm rõ trách nhiệm những trường hợp chuyển hóa địa bàn không hiệu quả, không đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra và xử lý trách nhiệm theo quy định, làm cơ sở rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhân rộng, chuyển hóa các địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm trên toàn thành phố.

11. Quản lý chặt chẽ địa bàn, không để xảy ra tệ nạn mại dâm diễn biến phức tạp tại nơi công cộng; tăng cường hoạt động của lực lượng kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục núp bóng các dịch vụ văn hóa; xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền để xảy ra tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục kéo dài trên địa bàn quản lý mà không có biện pháp xử lý triệt để.

12. Đánh giá tổng kết Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020; góp ý Dự án Luật Phòng, chống mại dâm. Tiếp tục duy trì hoạt động 03 mô hình thí điểm can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm trên địa bàn thành phố; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, cộng tác viên cộng đồng trong triển khai các mô hình thí điểm về phòng ngừa, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người bán dâm.

13. Đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư. Tăng cường năng lực hệ thống tiếp cận cộng đồng và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác giảm tác hại. Đa dạng hóa về nội dung, phương thức thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông, bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Ngày thế giới phòng, chống AIDS và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hình thức: Mít-tinh, hội thảo, hội thi, văn nghệ, tọa đàm, diễn đàn...

14. Tăng cường tiếp cận và duy trì khống chế tỷ lệ nhiễm HIV ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao: tiếp tục cung cấp miễn phí nhưng với số lượng giảm dần các vật phẩm giảm tác hại (bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn) cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao (người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới).

Đa dạng hóa các mô hình, phương pháp tiếp cận, các phương thức chi trả phù hợp với các nhóm đối tượng nguy cơ cao (người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, bạn tình của người nhiễm HIV) như: mô hình giáo dục đồng đẳng truyền thống, mạng xã hội, kênh truyền thông xã hội, các ứng dụng trên điện thoại di động.

15. Mở rộng hoạt động xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV: cung cấp xét nghiệm tải lượng HIV thường quy, xét nghiệm CD4 định kỳ cho các bệnh nhân điều trị ARV, tiếp tục đẩy mạnh chuyển gửi khách hàng nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm tại các điểm tư vấn xét nghiệm tự nguyện (HTC), tư vấn xét nghiệm lưu động (MVCT).

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ