Kế hoạch 1824/KH-UBND năm 2014 quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 1824/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2014
Ngày có hiệu lực 10/03/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Văn Hữu Chiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1824/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 10 tháng 3 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG VÙNG BIỂN HUYỆN HOÀNG SA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Nhằm thực hiện nghị quyết số 09/NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 Hội nghị lần thứ tư BCH TW khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảo, UBND thành phố ban hành kế hoạch Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa với các nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI KẾ HOẠCH

1. Quan điểm

Vùng biển huyện Hoàng Sa là một phần không tách rời đối với toàn bộ vùng biển thuộc địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng. UBND thành phố Đà Nẵng có những chính sách quản lý riêng đối với việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp tính chất đặc thù của vùng biển xa bờ.

Tài nguyên và môi trường vùng biển huyện Hoàng Sa có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng đối với thành phố Đà Nẵng, gắn liền với chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền quốc gia, đặc quyền kinh tế và an ninh quốc phòng trên biển, là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng, là nền tảng cho việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam.

Tài nguyên và môi trường biển huyện Hoàng Sa được quản lý theo cách tiếp cận tổng hợp và thống nhất, bảo đảm sự quản lý thống nhất của UBND thành phố Đà Nẵng và trách nhiệm quản lý trực tiếp của UBND huyện Hoàng Sa, sự phối hợp liên ngành, liên vùng giữa các ngành, địa phương của thành phố Đà Nẵng và giữa thành phố Đà Nẵng với địa phương có liên quan.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm và khắc phục suy thoái môi trường biển, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái theo hướng phát triển bền vững.

UBND thành phố Đà Nẵng tôn trọng và bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tàu thuyền, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển huyện Hoàng Sa phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là thành viên.

UBND thành phố khuyến khích và có chính sách ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam.

UBND thành phố Đà Nẵng kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế có hành vi khai thác tài nguyên khi chưa có sự cho phép của các cơ quan chức năng, các hành vi gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên.

2. Mục tiêu

a. Mục tiêu tổng quát:

Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong vùng biển huyện Hoàng Sa theo hướng bền vững, giữ gìn chất lượng môi trường; thực hiện các nội dung của Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

b. Mục tiêu cụ thể:

Tăng cường công tác nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu làm cơ sở cho việc khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của vùng biển huyện Hoàng Sa.

Xây dựng các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nguồn lực phục vụ cho việc khai thác, sử dụng, quản lý, nghiên cứu tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa.

Tranh thủ sự hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển, tạo chuyển biến mạnh trên các lĩnh vực kinh tế biển theo hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa.

Phấn đấu từ đây đến năm 2020 hoàn thiện các chính sách ưu đãi cho việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên và tiềm năng kinh tế, xây dựng và ban hành kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai và sự cố môi trường trên biển, xây dựng Quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên trong vùng biển huyện Hoàng Sa.

3. Phạm vi áp dụng:

Kế hoạch được xây dựng nhằm quản lý việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa trong giai đoạn 2014 - 2020.

II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ, KHAI THÁC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÙNG BIỂN HUYỆN HOÀNG SA

Ngày 12 tháng 7 năm 1976, Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa riêng.

Ngày 09 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Nghị quyết ngày 06 tháng 11 năm 1996 tại kỳ họp thứ X Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tách huyện Hoàng Sa khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập vào thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Nghị định số 07/CP ngày 23 tháng 01 năm 1997 của Chính phủ về việc thành lập đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng đã xác định huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc thành phố Đà Nẵng.

Quần đảo Hoàng Sa bao gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Quần đảo Hoàng Sa nằm ở khu vực có vĩ độ 15044, 2B - 17006, 0B và kinh độ 111011, 8Đ - 112053, 4Đ trên vùng biển có diện tích khoảng 30.000 km2, tổng diện tích phần nổi khoảng 10km2, đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm với diện tích khoảng 1, 5km2. Về khoảng cách đến đất liền, từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng Nam là 135 hải lý, đến Cù Lao Ré tỉnh Quảng Ngãi là 123 hải lý.

[...]
12
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ