Quyết định 373/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 373/QĐ-TTg
Ngày ban hành 23/03/2010
Ngày có hiệu lực 23/03/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 373/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, YÊU CẦU, MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm

a) Việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tuyên truyền biển, đảo; cụ thể hóa được các yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền trong Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

b) Bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương đồng thời nâng cao nhận thức chung về sự cần thiết phải đẩy mạnh quản lý việc khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo, phù hợp với các nội dung định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam.

c) Tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả trước mắt và lâu dài, nhằm nâng cao ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển trong cộng đồng người Việt Nam; khẳng định việc thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên các vùng biển, hải đảo trong khu vực Biển Đông. Thông qua nhận thức và hành động chung của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, từng bước khẳng định vị thế Việt Nam là một quốc gia mạnh về biển trong khu vực;

d) Tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển vững biển, hải đảo Việt Nam phải kết hợp chặt chẽ, đồng thời tranh thủ các nguồn lực và sự ủng hộ từ quan hệ hợp tác quốc tế với các nước bạn bè, các tổ chức quốc tế trên các lĩnh vực: kinh tế, khoa học - công nghệ, chống đói nghèo, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường biển;

đ) Huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền. Kết hợp có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước với thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tuyên truyền;

e) Phát huy thế mạnh của khoa học và công nghệ, các phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, phát thanh, truyền hình để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nhằm tác động sâu rộng, kịp thời và hiệu quả đến cộng đồng xã hội.

2. Yêu cầu

a) Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở trong việc thực hiện tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; thường xuyên tổng hợp cung cấp thông tin có định hướng, đảm bảo xác định rõ về nội dung và phù hợp với từng nhóm đối tượng và thời điểm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền;

b) Thực hiện tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với việc thực hiện các chương trình, chính sách trong từng lĩnh vực riêng biệt có liên quan đến Đề án;

c) Tiến hành các hoạt động tuyên truyền một cách chủ động, tích cực và thường xuyên, liên tục; coi trọng việc đổi mới nội dung, tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; lồng ghép công tác tuyên truyền biển, đảo với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình, đề án chuyên môn của các Bộ, ngành, địa phương;

d) Bảo đảm sự phối hợp tốt và chặt chẽ hơn giữa các lực lượng làm công tác tuyên truyền biển, đảo; phát huy sức mạnh tổng hợp trong hệ thống chính trị và của quần chúng nhân dân trên địa bàn biển, đảo;

đ) Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo trong tình hình mới.

3. Mục tiêu

Đến năm 2015, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong xã hội về vị trí, tầm quan trọng và sự cần thiết phải tổ chức, quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách hiệu quả, bền vững, được nâng cao rõ rệt. Cán bộ, công chức các cấp, các ngành và các địa phương ven biển có ý thức trong việc ưu tiên, đặt lợi ích chung của quốc gia lên trên, theo hướng chia sẻ, giữ gìn và làm tốt công tác bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển, hải đảo. Các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp có ý thức tốt hơn trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về biển; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trên cơ sở xây dựng lối ứng xử tích cực, thân thiện với môi trường biển và chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực liên quan.

4. Phạm vi thực hiện của Đề án

Đề án hướng tới mục đích tuyên truyền tổng thể về biển, hải đảo. Song để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, hạn chế trùng lặp về nội dung với các đề án, nhiệm vụ tuyên truyền khác đã và đang thực hiện, Đề án này đặt trọng tâm vào vấn đề tuyên truyền phát triển kinh tế biển, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Các nội dung khác được đưa vào có tính chất bổ sung, làm hoàn chỉnh tính tổng thể của Đề án.

Đề án được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ưu tiên một số nội dung liên quan mật thiết đến đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển.

Về thời gian, trước hết các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án được xác định tập trung cho giai đoạn từ nay đến năm 2015. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết những kết quả đã làm được, đề xuất điều chỉnh về mục tiêu, yêu cầu và các nội dung cho giai đoạn sau.

II. CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN

1. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo;

[...]