Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2021 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 182/KH-UBND
Ngày ban hành 20/10/2021
Ngày có hiệu lực 20/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Hồ Thu Ánh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 182/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 20 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;

Căn cứ Công văn số 2429/BTTTT-CNTT ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đôn đốc, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số;

Căn cứ Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xác định các nhiệm vụ cụ thể cần triển khai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang để thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (gọi tắt là Chỉ thị 01/CT-TTg), đồng bộ với các chương trình, đề án, kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã ban hành.

b) Từng bước xây dựng, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số cung cấp các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế số của tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị 01/CT- TTg, trong đó tập trung từng bước phát triển 04 (bốn) loại doanh nghiệp công nghệ số tại Hậu Giang, bao gồm: (i) Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; (ii) Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; (iii) Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; (iv) Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

b) Bảo đảm đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các đề án, chương trình, kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Hậu Giang.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh để các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh có khả năng giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội của tỉnh, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tại Hậu Giang và các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

2. Mục tiêu đến năm 2025

Toàn tỉnh có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ, kinh doanh, phân phối sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 5 doanh nghiệp công nghệ số có khả năng cung cấp giải pháp, dịch vụ, sản phẩm số để phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Mục tiêu đến năm 2030

Toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ, kinh doanh, phân phối sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 10 doanh nghiệp công nghệ số có khả năng cung cấp giải pháp, dịch vụ, sản phẩm số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực Tây Nam Bộ.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số

a) Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang bổ sung một số điểm tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND, áp dụng đối với các doanh nghiệp công nghệ số;

b) Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, áp dụng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công nghệ số.

c) Rà soát, bổ sung và triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút các doanh nghiệp công nghệ số triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh tại Hậu Giang.

[...]