Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2019 về bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 182/KH-UBND
Ngày ban hành 13/12/2019
Ngày có hiệu lực 13/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 182/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 13 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ CHẤT LƯỢNG NƯỚC TRONG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Công văn số 8145/BNN-TCTL ngày 30/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng Kế hoạch hành động bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xác định trách nhiệm, triển khai các nhiệm vụ cụ thể, nâng cao tính chủ động của các cơ quan, ban ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, quản lý bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi nhằm hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm nguồn, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện Kế hoạch, bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong việc bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, triển khai nhiệm vụ.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền, triển khai thực hiện pháp luật về thủy lợi

Tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, công trình thủy lợi, bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật liên quan để nâng cao nhận thức cho cộng đồng; tổ chức truyền thông thường xuyên về thực trạng chất lượng nước, tình hình vi phạm và xử lý vi phạm về quản lý chất lượng nguồn nước. Công khai hóa các thông tin, dữ liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm và các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng, tổ chức ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi với Công ty khai thác công trình thủy lợi, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ký kết quy chế quản lý nguồn nước trong công trình thủy lợi trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

2. Tổ chức thống kê các nguồn xả thải, thực hiện cấp giấy phép xả thải

- Các Đơn vị khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh chịu trách nhiệm thống kê nguồn nước xả thải vào công trình thủy lợi thuộc địa phận quản lý; UBND cấp huyện tổng hợp, thống kê nguồn thải từ các đơn vị khai thác công trình thủy lợi cấp huyện, định kỳ 3 tháng/01 lần và báo cáo đột xuất khi có sự cố phát sinh, khi phát hiện các nguồn nước xả thải mới có mức độ ảnh hưởng lớn hoặc khi phát hiện các hành vi vi phạm của chủ nguồn xả thải về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện việc cấp Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ; kiểm soát, không cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi cho các tổ chức, cá nhân xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép theo quy định. Chỉ tiêu phấn đấu:

+ Đến năm 2023, đạt tỷ lệ 100% các Bệnh viện và Khu công nghiệp, 50% các Cụm công nghiệp và cơ sở kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi (trừ xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ) phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ.

+ Đến năm 2025, đạt tỷ lệ 80% các Cụm công nghiệp và cơ sở kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi (trừ xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ) phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ.

- Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức ký kết, thực hiện hợp đồng dịch vụ tiêu thoát nước, thỏa thuận việc cấp phép và giám sát thực hiện giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thuộc địa phận quản lý.

2. Thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về xả nước thải vào công trình thủy lợi

- Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tổ chức quan trắc chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được giao quản lý. Giám sát chặt chẽ các hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi do đơn vị quản lý nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định về xả nước thải vào công trình thủy lợi, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý kịp thời các hành vi vi phạm mới phát hiện.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức cập nhật số liệu về chất lượng nước trong công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vào cơ sở dữ liệu chung do Tổng cục Thủy lợi xây dựng; phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

- Chính quyền các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm trong kiểm tra, xử lý vi phạm xả nước thải vào công trình thủy lợi thuộc địa bàn phụ trách, không để phát sinh các vụ vi phạm mới. Xử lý kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm không để kéo dài, tái vi phạm. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào kiểm soát, giám sát ô nhiễm nguồn nước: Hỗ trợ, bảo vệ những người tố cáo các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, khen thưởng kịp thời đối với những người có thành tích bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi theo quy định hiện hành.

5. Thu gom nguồn xả, xử lý trước khi xả vào công trình thủy lợi

Chính quyền cấp xã, cấp huyện, các cơ sở sản xuất, dịch vụ, cơ sở khám chữa bệnh... bố trí kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải, duy trì vận hành hiệu quả các nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung để đảm bảo kiểm soát chất lượng nước thải sinh hoạt trước khi xả thải vào công trình thủy lợi theo Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

6. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí thực hiện được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn thu của các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng.

- Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách Nhà nước.

[...]