Kế hoạch 1811/KH-UBND năm 2018 về tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng giai đoạn 2018-2020

Số hiệu 1811/KH-UBND
Ngày ban hành 19/06/2018
Ngày có hiệu lực 19/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Hoàng Xuân Ánh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1811/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 19 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

Thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng giai đoạn 2018 - 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, quảng bá toàn diện về miền đất, con người, bản sắc văn hóa, sản phẩm, tiềm năng du lịch Cao Bằng đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, thông qua tuyên truyền tạo dựng được hình ảnh, thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của Cao Bằng, qua đó thu hút du khách và nhà đầu tư đến Cao Bằng tham quan du lịch, đầu tư xây dựng phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Cao Bằng.

- Khẳng định vai trò của du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng đối với vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tuyên truyền khơi dậy và phát huy trong cán bộ, đảng viên và nhân dân niềm tự hào về quê hương Cao Bằng; từ đó tích cực tham gia xây dựng du lịch Cao Bằng trở thành điểm đến có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường, văn minh, lịch sự; nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Cao Bằng ở trong nước và thế giới, bảo đảm cho du lịch tỉnh phát triển bền vững.

2. Yêu cầu

- Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được thực hiện thường xuyên, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, chiến lược cụ thể; nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng, có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, tạo ấn tượng sâu sắc, đáp ứng sự phát triển của tỉnh và nhu cầu của người dân, cộng đồng, xã hội.

- Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút vốn đầu tư theo các dự án trọng điểm.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương; thường xuyên có sự giám sát, đánh giá việc thực hiện trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế.

II. THỰC TRẠNG TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ VỀ DU LỊCH

Những năm qua, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Cao Bằng đã bước đầu được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền các chương trình phát triển du lịch của tỉnh, các loại hình du lịch đang phát triển trên địa bàn; thông tin đầy đủ cho du khách trong và ngoài nước về những nét đẹp văn hóa của tỉnh, giới thiệu những làng nghề truyền thống, lễ hội đặc trưng, những quy định của pháp luật về hoạt động du lịch... các hoạt động xúc tiến du lịch, tour, tuyến du lịch, hợp tác phát triển du lịch, các hoạt động sự kiện liên quan đều được tuyên truyền quảng bá một cách kịp thời, thường xuyên; tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về hình ảnh, con người Cao Bằng trên các ấn phẩm với nhiều hình thức phong phú.

Báo Cao Bằng mở và duy trì thường xuyên 9 chuyên mục với trên 350 tin, bài, ảnh, clip... trên các ấn phẩm: Du lịch, Văn hóa, Phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống, Non nước Cao Bằng, Nét đẹp quê hương, Ẩm thực, Hồ sơ - Tư liệu, Đất nước - Con người, phóng sự ảnh... Đặc biệt, năm 2017, Báo Cao Bằng mở chuyên mục “Cao Bằng phát triển du lịch bền vững” gồm 19 chuyên đề tuyên truyền tương đối toàn diện về công tác du lịch: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giới thiệu miền đất giàu truyền thống cách mạng, tập trung xây dựng và quảng bá du lịch Cao Bằng gồm: du lịch lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng, làng nghề; du lịch mạo hiểm; các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, các dịch vụ du lịch...

Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng duy trì chuyên mục “Du lịch qua màn ảnh nhỏ” phát sóng 02 lần/tuần, thời lượng phát sóng 15 phút vào thứ năm hằng tuần và phát lại vào các khung giờ khác trong các ngày. Nội dung: Tuyên truyền, quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh con người, truyền thống lịch sử, văn hóa Cao Bằng, các phong tục tập quán thuần hậu của cộng đồng dân tộc, các di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh khác, các lễ hội văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực, các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc độc đáo trong tỉnh Cao Bằng. Tuyên truyền định hướng về khôi phục, bảo tồn phát triển và phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống gắn với hoạt động du lịch, quảng bá các sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống,...

Một số chương trình tuyên truyền và quảng bá về Cao Bằng được phát sóng trên kênh truyền hình Trung ương: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các nội dung xây dựng và phát sóng trên kênh VTV2 phóng sự giới thiệu văn hóa, du lịch Cao Bằng trong chuyên mục "Đi đâu? Ăn gì? Bánh ngon Cao Bằng" phát sóng 24 phút vào 21h ngày 31/3/2017, giới thiệu về các địa danh du lịch nổi tiếng của Cao Bằng như: Thác Bản Giốc, Phia Oắc, Phia Đén, Khu rừng Trần Hưng Đạo..., quy trình làm các món "bánh cuốn, bánh khảo, coóng phù"; Chương trình tuyên truyền về địa danh du lịch nổi tiếng Thác Bản Giốc do Biên tập viên nổi tiếng Long Vũ (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện phát ngày mùng 1 Tết mậu Tuất 2018; Album ca nhạc của ca sỹ Bích Phương quay tại Thác Bản Giốc...

Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; bảo tồn, phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Cao Bằng, làm cho hình ảnh Cao Bằng trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn, gìn giữ được những vẻ đẹp, tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo “sức hút” đối với du khách đến Cao Bằng; tạo sự chuyển biển về nhận thức trong các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về vai trò, vị trí của di tích lịch sử, văn hóa, du lịch - dịch vụ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí mới dừng lại ở mức độ phản ánh, nội dung của một số chuyên mục chưa thực sự phong phú, chưa lôi cuốn công chúng bạn đọc; chưa có sự phối hợp trong tuyên truyền về du lịch; chưa có sự trao đổi, gắn kết với các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh bạn; chưa khai thác lợi thế của mạng xã hội. Hiện nay, tỉnh đang có một trang thông tin điện tử (website) cung cấp các thông tin quảng bá du lịch do Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Cao Bằng quản lý (địa chỉ: http://dulichcaobang.vn/), tuy nhiên thông tin về website này chưa nhiều người biết đến, việc tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về du lịch Cao Bằng trên website này chưa thật sự thuận tiện, vì khi người dùng tìm kiếm các thông tin liên quan đến du lịch Cao Bằng (với các từ khóa phổ biến như: Du lịch Cao Bằng; di tích lịch sử Cao Bằng; danh lam thắng cảnh Cao Bằng; thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hang Pác Bó, suối Lê Nin, cổng Trời...) trên công cụ tìm kiếm google đều không cho ra địa chỉ liên kết đến website để cho những người đang quan tâm có thể được cung cấp thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất.

Thông tin quảng bá giới thiệu về non nước, văn hóa, con người Cao Bằng cũng đã được một số cá nhân, doanh nghiệp quan tâm cung cấp trên mạng xã hội, một số trang mạng xã hội (fanpage facebook) đáng chú ý như: “Cao Bằng” có 56.941 người theo dõi; “Cao Bang today” có 21.966 người theo dõi; “Cao Bằng Discovery” có 15.341 người theo dõi; “Phượt Cao Bằng” có 9.589 người theo dõi; “Cao Bằng quê tôi” có 8.186 người theo dõi; “Cao Bằng quê hương tôi” có 6.453 người theo dõi; “Du Lịch Cao Bằng” có 3.360 người theo dõi;... tuy vậy thông tin trên những trang mạng xã hội này chưa có sự định hướng, thiếu tính đồng nhất, thông tin dàn trải, các bài viết chưa thu hút được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng xã hội

Mặt khác, phát triển hạ tầng du lịch tại địa phương chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng ở địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thu hút khách. Đáng quan tâm là nhận thức của chính cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về phát triển du lịch còn hết sức hạn hẹp, theo kết quả điều tra dư luận xã hội năm 2017, số người quan tâm đến Chương trình phát triển du lịch mới đạt 34%, số người biết nguồn gốc tất cả địa điểm du lịch tại địa phương sinh sống và các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp 11% (trên tổng số 1.592 phiếu hỏi).

Từ thực trạng nêu trên, cần có một kế hoạch chiến lược tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về hình ảnh và con người Cao Bằng, khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

1. Nội dung tuyên truyền

1.1. Tuyên truyền thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương liên quan đến phát triển du lịch trong thời kỳ mới; việc thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch số 2295/KH-BCĐ, ngày 19/8/2016 của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng về thực hiện Chương trình Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và hằng năm.

Tuyên truyền toàn diện các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh về phát triển du lịch, về chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển du lịch và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành du lịch địa phương; tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

1.2. Tuyên truyền, quảng bá theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện, về những đặc trưng du lịch mang đậm bản sắc của miền đất và con người Cao Bằng, như: Du lịch lịch sử - về nguồn, Du lịch tâm linh, Du lịch thắng cảnh, Du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề, Du lịch mạo hiểm, khám phá, Du lịch khám phá văn hóa bản địa và du lịch cửa khẩu... các lễ hội truyền thống của Cao Bằng, trang phục, văn hóa, phong tục, tập quán dân tộc, Du lịch địa chất,...

Giới thiệu ẩm thực và sản phẩm du lịch qua các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện, các hội chợ ẩm thực (các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương: Bánh khảo, chè lam, lạp sườn, hạt dẻ, lê, miến dong; lúa nếp Hương, nếp Pì Pất, nếp Ong...).

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ