Kế hoạch 18/KH-UBND năm 2015 triển khai Đề án y tế biển đảo đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 18/KH-UBND
Ngày ban hành 03/02/2015
Ngày có hiệu lực 03/02/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Dung
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 03 tháng 02 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN Y TẾ BIỂN, ĐẢO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2013 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển y tế Biển, Đảo Việt Nam đến năm 2020” (gọi tắt Đề án 317); Công văn số 7804/BYT-KHTC ngày 03 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế về việc Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở khu vực vùng biển của Tỉnh Thừa Thiên Huế được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển.

b) Phát triển nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biển.

c) Tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển.

d) Trang bị kiến thức cho người dân vùng biển có thể tự bảo vệ sức khỏe, biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển.

đ) Thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế và của Nhà nước Việt Nam về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020:

a) Trung tâm Cấp cứu Tỉnh Thừa Thiên Huế và các Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố và các Trạm Y tế phường/xã/thị trấn ven biển có bác sĩ được đào tạo, bổ túc chuyên môn về Y học biển để có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù vùng biển.

b) Trung tâm Y tế dự phòng Tỉnh Thừa Thiên Huế và các Đội Y tế dự phòng tại các Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố có tổ chức 01 khoa/bộ phận chuyên trách đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển.

c) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố đảm bảo triển khai tốt các dịch vụ y tế theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.

d) Đầu tư xây dựng nâng cấp các trạm y tế ven biển đạt yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã theo quy định Bộ Y tế.

e) 100% người lao động trên các tàu biển có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe và biết kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống cấp cứu.

II. PHẠM VI TRIỂN KHAI

Triển khai tại Trung tâm Cấp cứu 115 Tỉnh; Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và 05 Trung tâm Y tế thuộc vùng ven biển và đầm phá của Tỉnh Thừa Thiên Huế (huyện Phong Điền; Quảng Điền; Phú Vang; Phú Lộc; Thị xã Hương Trà).

III. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển, đảo:

- Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các huyện/thị xã/thành phố ven biển (trong phạm vi triển khai thực hiện Đề án) đưa nội dung phát triển y tế biển vào Nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển y tế biển; chỉ đạo thực hiện Bộ tiêu chí chuẩn về y tế (theo quy định của Bộ Y tế) cho các địa phương vùng biển.

- Xây dựng, ban hành các phương án phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia xử lý những tình huống khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển của tỉnh.

- Tại Sở Y tế, có ít nhất cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về y tế biển, tham mưu công tác quản lý nhà nước về y tế biển và làm đầu mối phối hợp để giải quyết công việc thường xuyên và các tình huống cấp cứu khẩn cấp trên biển.

- Xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát phù hợp với đặc thù vùng biển.

2. Củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng:

Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đủ số lượng người làm việc, trang thiết bị cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các Đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố ven biển đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh; tập huấn kiến thức dự phòng các vấn đề về sức khỏe cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển.

[...]