Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 178/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020

Số hiệu 178/KH-UBND
Ngày ban hành 31/07/2019
Ngày có hiệu lực 31/07/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Phạm Văn Thủy
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/KH-UBND

Sơn La, ngày 31 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG GÓP PHẦN NÂNG CAO TẦM VÓC CHO TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020 như sau:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

2. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

3. Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

4. Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030;

5. Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

6. Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020;

7. Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020;

8. Công văn số 7162/BYT-BM-TE ngày 26/11/2018 và Công văn số 2673/BYT-BM-TE ngày 15/5/2019 của Bộ Y tế về việc tăng cường triển khai thực hiện Chương trình sữa học đường;

9. Kế hoạch số 78-KH/TU ngày 17/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

10. Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 17/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

II. THỰC TRẠNG SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ EM TỈNH SƠN LA

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em thấp còi cao, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi, tính chung cả nước mỗi năm đã giảm 1 % nhưng vẫn còn ở mức cao và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là ở các vùng núi, vùng khó khăn, ở một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc. Năm 2017, tỷ lệ SDD thể cân nặng/tuổi ở tỉnh Sơn La còn 20,4%, Điện Biên: 18%, Hòa Bình: 16,8%; tỷ lệ SDD thể chiều cao/tuổi ở tỉnh Sơn La còn 33,5%, Điện Biên: 31,1%, Hòa Bình: 24,8%.

Tính đến 31/12/2018 toàn tỉnh Sơn La có 251 trường mầm non với 95.579 trẻ, 194 trường tiểu học với 138.091 trẻ. Tình trạng SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi đang ở mức cao. Năm 2016 tỷ lệ SDD thể cân nặng/tuổi còn 21%, tỷ lệ SDD thể chiều cao/tuổi còn 34,1%; năm 2017 tỷ lệ SDD thể cân nặng/tuổi còn 20,4%, tỷ lệ SDD thể chiều cao/tuổi còn 33,5%; năm 2018 tỷ lệ SDD thể cân nặng/tuổi còn 20%, tỷ lệ SDD thể chiều cao/tuổi còn 33% (theo số liệu thống kê hàng năm của Viện Dinh dưỡng Quốc gia).

Tại huyện Bắc Yên, tính đến 31/12/2018 theo số liệu thống kê, tổng dân số: 67.295 người, trong đó dân tộc Mông chiếm 44,67%, dân tộc Thái chiếm 30,45%, dân tộc Mường chiếm 17,15%, dân tộc Kinh chiếm 4,86%, dân tộc Dao chiếm 2,59%, còn lại là các dân tộc khác; toàn huyện có 16 trường mầm non với 5.362 trẻ, 16 trường tiểu học với 9.950 trẻ. Số liệu báo cáo về dinh dưỡng tính đến 31/3/2019 cho thấy tỷ lệ SDD ở huyện này cao hơn tỷ lệ chung của toàn tỉnh, là một trong những huyện nghèo, đông dân tộc sinh sống: Tỷ lệ SDD thể cân nặng/tuổi còn 21% (tỷ lệ này tại các xã: Mường Khoa còn 24,8%, Háng Đồng 24,7%, Chiềng Sại 23,5%, Chim Vàn 22,1%), Xím Vàng 21,8%0, Hua Nhàn 21,8%, Hang Chú 21,7%, Phiêng Côn 21,2%0, các xã còn lại chiếm từ 13,9- 20,3%), tỷ lệ SDD thể chiều cao/tuổi còn 23,6% (tỷ lệ này tại các xã: Xím Vàng còn 35,1%, Phiêng Côn 33,9%, Háng Đồng 24,7%, Tạ Khoa 30,2%, Làng Chếu 29,3%, Hang Chú 28,4%, Chiềng Sại 26,9%, Phiêng Ban 26,6%, Mường Khoa 26,3%, Tà Xùa 26%, Thị trấn 24,4%, Hồng Ngài 24,2%, Chim Vàn 24%).

Thực trạng trên cho thấy tỷ lệ SDD tại tỉnh Sơn La hiện nay còn ở mức cao, đặc biệt là ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đông dân tộc thiểu số sinh sống như huyện Bắc Yên. Theo các chuyên gia, tình trạng SDD, ngoài do yếu tố di truyền còn do thiếu dinh dưỡng, giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa về tầm vóc, thể lực và trí tuệ, tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết của trẻ, nếu không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ rất dễ bị SDD ảnh hưởng đến tầm vóc và sự phát triển thể chất sau này, do đó cần phải tăng cường dinh dưỡng cho trẻ thông qua việc cho trẻ uống sữa để bổ sung dinh dưỡng trong giai đoạn này. Vì vậy việc triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay là rất quan trọng nhằm từng bước thúc đẩy nâng cao thế lực, chất lượng dân số, nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh, thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa nhằm tăng cường dinh dưỡng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thế lực của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

2. Mục tiêu cụ thể (đến năm 2020)

a) 100% số học sinh bậc tiểu học thuộc huyện Bắc Yên được uống sữa miễn phí từ Chương trình sữa học đường bằng nguồn ngân sách của nhà nước;

b) 90% trẻ em bậc mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh được uống sữa để tăng cường dinh dưỡng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực;

c) Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh đạt 90% - 95%;

d) Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh thêm 30%;

đ) 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng;

[...]