Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2024 thực hiện "Đề án phát triển vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 177/KH-UBND
Ngày ban hành 24/01/2024
Ngày có hiệu lực 24/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Dương Mah Tiệp
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/KH-UBND

Gia Lai, ngày 24 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN, TẬP TRUNG, ĐẢM BẢO TRUY XUẤT NGUỒN GỐC GẮN VỚI CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT ngày 09/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt “Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030” (viết tắt là Đề án).

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Gia Lai (viết tắt là Kế hoạch), với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án nhằm tăng cường đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung trên địa bàn tỉnh theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa người trồng rau với hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau.

- Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các giải pháp phù hợp để phát triển sản xuất rau an toàn (rau đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic) gắn với nhu cầu thị trường, các cơ sở chế biến; phù hợp với lợi thế từng vùng, từng địa phương về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, nhân lực; thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng rau ngày càng đa dạng của người dân Gia Lai, người tiêu dùng trong và ngoài nước.

2. Yêu cầu

- Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/11/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (Khóa XV) về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.

- Trên cơ sở nội dung các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch này; các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ cụ thể, chi tiết; tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

- Tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả các chỉ tiêu đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung trên địa bàn tỉnh theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm đảm bảo cho người dân Gia Lai và người tiêu dùng trong nước được sử dụng rau xanh an toàn và hướng đến phát triển, xuất khẩu bền vững; góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phát triển, mở rộng diện tích rau khoảng 30.000 ha. Xây dựng vùng nguyên liệu rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc khoảng 9.000 - 10.000 ha. Hình thành các vùng sản xuất rau xanh an toàn hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic với diện tích đất canh tác khoảng 700 ha.

- Sản lượng rau Gia Lai đạt khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn; trong đó, sản lượng rau phục vụ chế biến khoảng 55.000 - 60.000 tấn.

- Trên 95% số mẫu rau được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn.

- Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc khoảng 30 - 33% tổng diện tích rau của tỉnh.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau đạt khoảng 55 - 60 triệu đô la Mỹ.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1. Nghiên cứu xây dựng, ban hành các quy định phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, chế biến rau; ứng dụng khoa học công nghệ mới trong toàn bộ quá trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm rau chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có khả năng cạnh tranh cao.

1.2. Rà soát, khoanh vùng, định hướng để phát triển các vùng chuyên canh rau an toàn, tập trung theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm để xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất phù hợp. Xây dựng một số mô hình điểm về ứng dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ (Organic) và xây dựng mô hình điểm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt tập trung củng cố và thành lập mới các hợp tác xã hoặc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng sản xuất rau xanh hàng hóa hiện có (tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và các huyện Đak Pơ, Kông Chro, Đak Đoa, Ia Grai, Kbang, Phú Thiện) để phát triển, hình thành các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, chuyên canh, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

1.3. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị gắn với việc xây dựng thương hiệu, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy định; thực hiện tốt và có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đối với việc chứng nhận sản phẩm rau an toàn.

1.4. Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực (đội ngũ cán bộ, nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác,...) phục vụ phát triển sản xuất rau an toàn phù hợp với yêu cầu công nghệ mới và nhu cầu thị trường; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đủ điều kiện và năng lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý nguồn giống, vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và an toàn thực phẩm (kể cả năng lực đánh giá và tổ chức chứng nhận sản phẩm rau, củ quả an toàn) tại địa phương; đẩy mạnh việc hình thành và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác.

1.5. Tập trung và ưu tiên hỗ trợ, xây dựng hệ thống tưới, tiêu phù hợp cho các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, có quy mô lớn gắn với việc liên kết và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ liên kết sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm rau an toàn, qua đó hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030.

[...]