Kế hoạch 171/KH-UBND năm 2021 về cải thiện, nâng cao Chỉ số Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030

Số hiệu 171/KH-UBND
Ngày ban hành 16/11/2021
Ngày có hiệu lực 16/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Duy Hưng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 171/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 16 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ TÍNH MINH BẠCH VÀ KHẢ NĂNG TIẾP CẬN THÔNG TIN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG 2030

Căn cứ Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 07/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 23/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện có hiệu quả các giải pháp: nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhằm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hưng yên; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Cải thiện, nâng cao Chỉ số Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

1. Chỉ số tính minh bạch giai đoạn 2016-2020

Chỉ số Tính minh bạch là chỉ số đo lường khả năng doanh nghiệp có thể tiếp cận được các kế hoạch của tỉnh và văn bản pháp lý cần thiết cho công việc kinh doanh của mình, tính sẵn có của các văn bản này, tính có thể dự đoán được của các quy định và chính sách mới, việc các quy định đó có được đưa ra tham khảo ý kiến doanh nghiệp trước khi ban hành hay không và mức độ phổ biến của trang website tỉnh.

Giai đoạn 2016-2018, Chỉ số Tính minh bạch của Hưng Yên sụt giảm cả về điểm số và xếp hạng (năm 2016 đạt 5,68 điểm, năm 2017 đạt 5,62 điểm, năm 2018 đạt 5,5 điểm). Năm 2019, chỉ số này đạt 5,98 điểm (tăng 0,48 điểm so với năm 2018), những thứ bậc giảm, xếp ở vị trí 63/63 tỉnh, thành cả nước; năm 2020 đạt 5,31 điểm (giảm 0,67 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2019). Điều này cho thấy tính công khai, minh bạch về các tài liệu quy hoạch ngành, lĩnh vực và tài liệu pháp lý chưa được cải thiện rõ nét; khả năng tiếp cận, nghiên cứu và khai thác sử dụng của doanh nghiệp đối với các tài liệu pháp lý, tài liệu quy hoạch của ngành, lĩnh vực và một số thông tin liên quan đến hoạt động doanh nghiệp (thông tin mời thầu...) còn khó khăn.

Đây là chỉ số có trọng số cao, chiếm 20% trong đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI. Do đó, để cải thiện thứ hạng PCI của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, cần tích cực cải thiện chỉ số Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Tồn tại, hạn chế

- Số lượng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 còn thấp so với yêu cầu đặt ra tại Đề án Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn tỉnh tại Kết luận số 03-KL/TU ngày 11/10/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (theo Đề án, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 65% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến ở mức độ 3 và 30% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến ở mức độ 4). Đến nay, đạt 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

- Tính công khai, minh bạch về các tài liệu quy hoạch các ngành, các lĩnh vực và tài liệu pháp lý chưa được cải thiện rõ nét.

- Công tác hiện đại hóa nền hành chính theo hướng điện tử, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và điều hành văn bản đã được triển khai đến các ngành, địa phương trên toàn tỉnh, bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực, giảm chi phí giấy tờ, chi phí thời gian đi lại của doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; tuy nhiên, chưa có sự liên thông về quy trình xử lý thủ tục hành chính giữa các cơ quan, đơn vị.

b) Nguyên nhân

* Nguyên nhân khách quan

- Khả năng, mức độ tiếp cận, hiểu pháp luật của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thực hiện các thủ tục hành chính và chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các chính sách của Nhà nước, các quy định của tỉnh có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.

- Còn có sự thờ ơ với các hoạt động do chính quyền các cấp tổ chức (từ việc tuyên truyền, hỗ trợ đến gặp mặt, đối thoại lắng nghe, trao đổi); các đường dây nóng và các mục hỏi - đáp trên các Cổng Thông tin điện tử tỉnh còn rất ít ý kiến tham gia.

- Thiếu việc kiểm tra, giám sát, quy trách nhiệm trong triển khai các nhiệm vụ về đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm.

* Nguyên nhân chủ quan

- Nhiều sở, ngành, đơn vị chưa thực sự tích cực, quan tâm và chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng yêu cầu đề ra, đồng thời chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết của đơn vị mình.

- Việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), báo cáo kết quả ứng dụng CNTT, cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử thành phần, ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị còn chưa phong phú, kịp thời, dễ tra cứu.

- Một số sở, ngành, địa phương chưa quan tâm, chủ động và kịp thời thực hiện việc rà soát các thủ tục hành chính; công bố công khai các tài liệu quy hoạch, các quy định của nhà nước có liên quan cũng như cập nhật các văn bản, chính sách mới; các Sở, ngành, địa phương chưa có nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc công bố công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các quy định của Nhà nước và của tỉnh, các tài liệu liên về quy hoạch, kế hoạch, các tài liệu về ngân sách, thuế... liên quan quan tới sở, ngành, đơn vị.

- Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ; việc theo dõi kiểm tra, đôn đốc trong công tác phối hợp còn chưa thường xuyên dẫn đến còn một số cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp còn nhiều, còn có nội dung thanh tra, kiểm tra trùng lặp.

- Chưa phát huy hiệu quả vai trò của các hội, hiệp hội. Chưa có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các hội, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp với các Sở, ngành, địa phương trong việc nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; xây dựng các quy định, cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan tới doanh nghiệp; thực hiện những nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hưng Yên có nhiều hội, hiệp hội nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia không nhiều, hoặc có đăng ký trên danh sách nhưng thực tế tham gia các hoạt động chung còn ít và kém hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

[...]