Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2022 về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 166/KH-UBND
Ngày ban hành 10/05/2022
Ngày có hiệu lực 10/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Trần Trí Quang
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 10 tháng 05 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT GIAI ĐOẠN 2022-2025

Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 như sau:

A. KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 12/6/2017 về việc triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2017-2020, với kết quả đạt được như sau:

- Số đơn vị hưởng lương từ NSNN thực hiện trả lương qua tài khoản đạt 89,8%, vượt 14,8% so với kế hoạch (75%). Đến cuối năm 2021 đạt 92,2%.

- Số máy POS được lắp đặt và đưa vào sử dụng: 682 máy, vượt 82 máy so với kế hoạch (600 máy POS). Đến cuối năm 2021, số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (POS) đã được lắp đặt là 777 máy (tăng 95 máy so với cuối năm 2020).

- Tổng số tài khoản thẻ phát hành trên địa bàn hơn 1,046 triệu thẻ, vượt 266.000 số tài khoản thẻ so với kế hoạch (780.000 tài khoản); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên tại trung tâm đô thị có tài khoản tại ngân hàng đạt 99,99%, vượt gần 25% so với kế hoạch (75% trở lên). Đến cuối năm 2021, số thẻ được phát hành là 1,206 triệu thẻ (tăng 160.000 thẻ so với cuối năm 2020).

Ngoài ra, đối với tình hình thực hiện thanh toán học phí qua ngân hàng đã đạt được một số kết quả nhất định: 12 huyện, thành phố đều triển khai đến phụ huynh học sinh thực hiện thu hộ học phí với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có 145 cơ sở giáo dục đã ký hợp đồng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để thu hộ các khoản học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt, với tổng số tiền thu là 5.924 triệu đồng.

B. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT GIAI ĐOẠN 2022-2025

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông trên địa bàn.

- Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.

- Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ, khủng bố.

2. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025

- Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

- Tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 800 điểm.

- Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công:

+ Từ 90% trở lên các cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

+ Từ 90% trở lên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

+ 60% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.

+ 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai kịp thời các cơ chế chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành, cụ thể:

a) Triển khai áp dụng cơ chế, chính sách, giải pháp để tiếp tục khuyến khích thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ như: Điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp; triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử mới; khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ không phân biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt với các phương tiện thanh toán điện tử.

b) Thực hiện chính sách phù hợp về phí dịch vụ để khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài theo hướng tăng mức phí giao dịch tiền mặt và giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt; giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng đảm bảo mức phí hợp lý.

[...]