Kế hoạch 163/KH-UBND năm 2017 thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 163/KH-UBND
Ngày ban hành 12/06/2017
Ngày có hiệu lực 12/06/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Châu Hồng Phúc
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 163/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 12 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 - 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu chung.

a) Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân nhằm giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông trên địa bàn.

b) Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm kinh tế trên địa bàn.

c) Thúc đẩy thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán trong khu vực dịch vụ hành chính công, giữa doanh nghiệp, cá nhân và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.

d) Đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện hiệu quả cơ chế bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Mục tiêu cụ thể.

a) Đến cuối năm 2020, có 75% số đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản.

b) Phát triển thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ POS, phấn đấu từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm các ngân hàng thương mại trên địa bàn lắp đặt thêm 45 máy POS; đến cuối năm 2020, lắp đặt và đưa vào sử dụng 600 máy POS, nâng số lượng giao dịch qua POS đạt khoảng 150.000 giao dịch/năm.

c) Thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trên địa bàn có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; có ít nhất 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

d) Áp dụng các hình thức thanh toán hiện đại, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của các địa phương vùng sâu; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên tại trung tâm thành phố, thị xã có tài khoản tại ngân hàng ở mức 75% trở lên vào cuối năm 2020; tổng số tài khoản thẻ trên địa bàn đạt ở mức 780.000 tài khoản vào cuối năm 2020.

II. GIẢI PHÁP.

1. Về cơ chế, chính sách.

a) Triển khai áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử trong việc: thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán tiền đối với các dịch vụ như điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp.

b) Các cơ chế, chính sách về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt tại các tổ chức tín dụng theo hướng tăng mức phí giao dịch tiền mặt và giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt; giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng; quy định về cách thức tính phí, cơ cấu phân bổ phí của các tổ chức vận hành các hệ thống thanh toán, đảm bảo mức phí hợp lý, tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, tránh độc quyền.

c) Cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với việc tăng cường kiểm soát thanh toán, phát hành hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, chống thất thu thuế; các quy định về hướng dẫn sử dụng, lưu trữ chứng từ điện tử.

2. Phát triển các hệ thống dịch vụ thanh toán bán lẻ.

a) Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện nâng cấp, mở rộng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) và hệ thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch bán lẻ (ACH) theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng cấp trên nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Phát triển số lượng đi đôi với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới POS dùng chung, thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS); tăng cường chấp nhận thanh toán thẻ trong các giao dịch thanh toán trực tuyến tại các cơ sở y tế, giáo dục.

c) Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn thường xuyên duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch ATM, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ lợi ích của khách hàng; đầu tư và mở rộng mạng lưới ATM đến khu vực có đủ điều kiện; nghiên cứu ứng dụng một số loại máy mới tương tự như ATM nhằm tạo thuận lợi cho người dân với chi phí đầu tư hợp lý.

d) Đẩy mạnh phát triển các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số) nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu kể cả những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác.

3. Đẩy mạnh thanh toán điện tử t rong khu vực dịch vụ hành chính công.

a) Tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa Kho bạc Nhà nước Tỉnh, Cục thuế Tỉnh với hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; nhất là thu, nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế điện tử.

b) Triển khai lắp đặt thiết bị POS, mPOS, ứng dụng phương thức thanh toán điện tử tiên tiến đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công để thực hiện việc thu phí, lệ phí đối với thủ tục hành chính, dịch vụ công, y tế, giáo dục, giao thông và các dịch vụ công khác.

c) Phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ