ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1645/KH-UBND
|
Đồng
Nai, ngày 09 tháng 3 năm 2012
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “TOÀN TỈNH
CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI” GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số
97-KH/TU ngày 29 tháng 12 năm 2008 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai
(khóa VIII) thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Hưởng ứng tích cực phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ đã phát
động vào ngày 08 tháng 6 năm 2011 với chủ đề “Cả nước chung sức xây dựng nông
thôn mới”; Để phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây
dựng nông thôn mới” (sau đây gọi tắt là Phong trào thi đua xây dựng nông
thôn mới) theo Chỉ thị số 27/CT-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2011 của Chủ tịch
UBND tỉnh được triển khai rộng khắp, đạt kết quả toàn diện, UBND tỉnh ban hành
Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:
I.
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, nâng
cao nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội, cùng chung sức, chung lòng xây dựng
và phát triển nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn tỉnh Đồng Nai, góp phần
thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước;
- Tổ chức Phong trào thi đua xây dựng
nông thôn mới để phấn đấu đạt tỷ lệ xã chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến
năm 2015 tối thiểu là trên 24%; hướng đến năm 2020 đạt trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí của tỉnh; cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa
bàn nông thôn.
2. Yêu cầu:
- Việc thực hiện Phong trào thi đua
xây dựng nông thôn mới phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong
các phong trào thi đua của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các sở,
ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và các cụm
thi đua của tỉnh có liên quan trong giai đoạn 2011 - 2015;
- Phong trào thi đua xây dựng nông
thôn mới phải được triển khai sâu rộng từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, với nội dung,
hình thức phong phú, thiết thực theo phương châm “Phát huy nội lực là chính”,
phù hợp với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và thực tiễn ở địa phương, cơ sở;
- Phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các
điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào thi đua
xây dựng nông thôn mới.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI
DUNG, CHỈ TIÊU, HÌNH THỨC THI ĐUA:
1. Đối tượng thi
đua:
- Sở, ban, ngành được
phân công chịu trách nhiệm từng tiêu chí nông thôn mới tại Quyết định số
3461/QĐ-UBND ngày 21/12/2010 của UBND tỉnh Đồng Nai.
- Cơ quan Đảng, Mặt
trận Tổ quốc và đoàn thể cấp tỉnh có liên quan.
- Huyện, xã: Tập thể
cán bộ, công chức UBND, các phòng chuyên môn, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn
thể cấp huyện, xã..
- Tổ chức kinh tế -
xã hội: Nông dân, chủ trang trại, các tổ chức kinh tế, tổ chức hợp tác (hợp tác
xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ nông dân, hiệp hội ngành nghề, hội ngành nghề,... );
doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có công đầu tư xây dựng và phát triển
nông thôn.
2. Nội dung thi
đua:
Thi đua xây dựng nông
thôn mới theo 19 tiêu chí nông thôn mới được quy định tại Quyết định số
3461/QĐ-UBND ngày 21/12/2010 của UBND tỉnh Đồng Nai. Trong đó, phân thành 05
Chương trình thi đua theo nhóm tiêu chí, cụ thể:
- Chương trình thi
đua theo nhóm tiêu chí xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch (tiêu
chí 1).
- Chương trình thi
đua theo nhóm tiêu chí xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội
(có 8 tiêu chí gồm: Tiêu chí 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9).
- Chương trình thi
đua theo nhóm tiêu chí phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất (có 4 tiêu
chí gồm: Tiêu chí 10, 11, 12, 13).
- Chương trình thi
đua theo nhóm tiêu chí phát triển văn hóa - xã hội - môi trường (có 4
tiêu chí gồm: Tiêu chí 14, 15, 16, 17).
- Chương trình thi
đua theo nhóm tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị cơ sở (có 2 tiêu chí
gồm: Tiêu chí 18, 19).
3. Chỉ tiêu thi
đua:
Thực hiện thi đua theo
nội dung quy định tại Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 của UBND tỉnh Đồng
Nai và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình nông nghiệp, nông dân,
nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh, huyện, xã.
4. Hình thức tổ chức
thi đua:
Thi đua theo cụm thi
đua của tỉnh có liên quan, đưa chỉ tiêu thi đua “Toàn tỉnh xây dựng nông thôn mới”
vào nhiệm vụ thường xuyên làm tiêu chí thi đua, xét khen thưởng hàng năm. Khi tổng
kết Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới sẽ xét khen thưởng riêng.
III.
TIÊU CHUẨN, PHƯƠNG PHÁP BÌNH CHỌN, CƠ CẤU - HÌNH THỨC - MỨC KHEN THƯỞNG, KINH
PHÍ KHEN THƯỞNG, THỦ TỤC TRÌNH KHEN THƯỞNG:
1.
Tiêu chuẩn khen thưởng:
a) Đối với các sở,
ban, ngành, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn
thể cấp tỉnh:
- Các sở, ban, ngành
được khen thưởng phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo Quyết định số
3461/QĐ-UBND ngày 21/12/2010; Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 của
UBND tỉnh Đồng Nai và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình nông nghiệp,
nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, huyện, xã và đã có những
sáng kiến mang tính đột phá áp dụng cụ thể ở từng địa phương, thực hiện đạt chuẩn
các tiêu chí của ngành.
- Cơ quan Đảng, Mặt
trận Tổ quốc và đoàn thể cấp tỉnh tham gia thực hiện tốt vai trò, chức năng
trong việc xây dựng nông thôn mới, có nhiều đóng góp cho Phong trào, có sáng kiến
trong việc chỉ đạo, vận động các đoàn thể, nhân dân hưởng ứng tích cực Phong
trào thi đua xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả.
b) Đối với các huyện,
thị xã, thành phố:
Huyện, thị xã, thành phố được khen
thưởng đến năm 2015 phải có đủ số xã đã đăng ký đạt tiêu chí nông thôn mới và tỷ
lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới phải cao nhất trong cụm (tính theo thứ tự đánh
giá, xếp hạng từ cao xuống); đồng thời, là huyện tiêu biểu, nỗ lực phấn đấu xây
dựng nông thôn mới.
c) Đối với cấp xã:
Xã được khen thưởng
phải là xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời là xã tiêu biểu trong nỗ lực xây
dựng nông thôn mới (tính theo thứ tự đánh giá, xếp hạng từ cao xuống).
d) Đối với hợp tác
xã, các tổ chức hợp tác, câu lạc bộ, liên hiệp các câu lạc bộ, các doanh nghiệp
thuộc các thành phần kinh tế:
Các hợp tác xã, các tổ
chức hợp tác, câu lạc bộ, liên hiệp các câu lạc bộ, các doanh nghiệp thuộc các
thành phần kinh tế có công đóng góp xây dựng nông thôn mới như (hỗ trợ đầu tư
xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh phí hoặc mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật,
kiến thức khởi sự doanh nghiệp, quản lý kinh tế hộ, đầu tư xây dựng nhà máy, xí
nghiệp thu hút lao động, giải quyết việc làm, …) sẽ được UBND tỉnh ghi nhận,
tuyên dương, khen thưởng.
e) Đối với cá nhân:
- Cán bộ, công chức, viên chức phải nỗ
lực bám sát cơ sở, có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc xây dựng, trình cấp
có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn hoặc chỉ
đạo tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong xây dựng nông thôn mới.
g) Đối tượng khác (doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức kinh tế - xã hội, nhà khoa học, các
cá nhân ở trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…) có nhiều
đóng góp về công sức, trí tuệ, tình cảm, vật chất, sáng kiến vào xây dựng nông
thôn mới (gắn với địa chỉ cụ thể); riêng đối với hộ dân cư nông thôn còn phải
có thêm thành tích xây dựng, cải tạo nơi ở (nhà, công trình vệ sinh, ao vườn,
tường rào, cổng ngõ) xanh, sạch, đẹp tiêu biểu, giữ vệ sinh môi trường; sản xuất
giỏi, có thu nhập khá trở lên và tham gia đóng góp giúp đỡ cộng đồng trong xây
dựng nông thôn mới ở địa phương.
* Không xét khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo
trở lên; có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ cơ quan chức năng điều tra làm
rõ; tập thể mất đoàn kết có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
2. Phương pháp
bình chọn khen thưởng:
- Đối với xã: Trên cơ sở huyện đã
khen và trình lên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của
tỉnh, Ban Chỉ đạo phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
tỉnh lựa chọn các xã xứng đáng để khen thưởng, có xem xét đến các yếu tố như: Mức
xuất phát khác nhau của các xã, sự hỗ trợ của Nhà nước, hỗ trợ khác…
- Đối với huyện, thị xã, thành phố;
các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: Trên cơ sở chấm điểm thi đua, được suy
tôn từ cụm thi đua.
- Đối với các tập thể, cá nhân thuộc
và trực thuộc huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh:
Được bình chọn, suy tôn từ cơ sở lên.
- Đối với các tập thể, cá nhân khác:
Được suy tôn từ cơ sở hoặc được Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu xây dựng nông
thôn mới của tỉnh giới thiệu, phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua
- Khen thưởng tỉnh xem xét đề nghị.
3. Cơ cấu - Hình
thức và mức khen thưởng:
a) Cơ cấu số lượng khen thưởng:
- Khen thưởng cấp tỉnh:
+ Các cơ quan, đơn vị thuộc cấp tỉnh:
Chọn các tập thể thuộc cụm thi đua của
tỉnh (theo Quyết định chia cụm thi đua của UBND tỉnh ban hành) có liên quan để
khen thưởng, số lượng phân bổ như sau:
Tặng cờ và bằng khen:
Cụm 01 (Khối huyện, thị xã, thành phố):
02 huyện (01 cờ, 01 bằng khen);
Cụm 02 (Khối huyện): 03 huyện (01 cờ,
02 bằng khen);
Tặng bằng khen:
Cụm 03 (Khối cơ quan công tác Đảng):
Không quá 03 đơn vị;
Cụm 04 (Khối nội chính): Không quá 02
đơn vị (nếu có);
Cụm 05 (Khối cơ quan hành chính tổng
hợp): Không quá 02 đơn vị;
Cụm 06 (Khối Tài chính - Ngân sách):
Không quá 02 đơn vị;
Cụm 07 (Khối Quản lý Kinh tế ngành):
Không quá 03 đơn vị;
Cụm 8 (Khối Doanh nghiệp địa phương):
Không quá 03 đơn vị (nếu có);
Cụm 09 (Khối Ngân hàng Thương mại quy
mô lớn): Không quá 02 đơn vị (nếu có);
Cụm 10 (Khối Ngân hàng Thương mại quy
mô vừa và nhỏ): Không quá 02 đơn vị (nếu có);
Cụm 11: (Khối Ngân hàng TMCP, Ngân
hàng liên doanh): Không quá 02 đơn vị (nếu có);
Cụm 12 (Khối Mặt trận và đoàn thể tỉnh):
Không quá 03 đơn vị;
Cụm 13 (Khối các tổ chức Hội): Không quá
02 đơn vị;
Cụm 14 (Khối văn hóa - Xã hội, Công
nghệ - Thông tin): Không quá 03 đơn vị;
Cụm 15 (Khối Cơ quan sự nghiệp):
Không quá 02 đơn vị;
Cụm 16 (Khối trường thuộc Quân đội,
Công an): 01 đơn vị (nếu có)
Cụm 17: (Khối trường Đại học, Cao đẳng
và Trung học chuyên nghiệp): Không quá 02 đơn vị (nếu có)
Cụm 18 (Khối Doanh nghiệp ngoài Quốc
doanh): Không quá 02 đơn vị (nếu có)
Cụm 19 (Khối Doanh nghiệp Trung
ương): Không quá 02 đơn vị.
Các Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế -
xã hội, tập thể và cá nhân khác được xét khen thưởng nếu có nhiều thành tích
đóng góp cho Phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”.
+ Các cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện,
sở, ban, ngành:
- Tỉnh khen thưởng 30% số xã, đơn vị
tiêu biểu trong số xã, đơn vị đã được huyện khen thưởng (xã được khen thưởng phải
là xã đạt chuẩn nông thôn mới).
Mỗi sở, ngành, đoàn thể và huyện
chọn từ 01 đến 02 đơn vị trực thuộc có thành tích tiêu biểu.
+ Cá nhân:
Mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn từ
10 đến 20 nông dân (tùy mật độ dân cư và tỷ lệ vùng nông thôn chiếm trong địa
bàn huyện) có thành tích xuất sắc trong Phong trào để xét khen thưởng cấp huyện;
chọn không quá 30 % trong số khen ở cấp huyện để xét đề nghị khen cấp tỉnh.
Đối với tập thể được UBND tỉnh khen:
Mỗi đơn vị được đề nghị khen không quá 03 cá nhân có thành tích xuất sắc trong
việc tổ chức thực hiện hoặc có thành tích tiêu biểu trong đơn vị về việc tích cực
đóng góp cho Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; cơ quan Thường trực Ban
Chỉ đạo chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới
(Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đề nghị xét khen thưởng không quá 05
cá nhân.
Đối với tập thể không được UBND tỉnh
khen: Đơn vị được đề nghị xét khen thưởng không quá 02 cá nhân (nếu có thành
tích xuất sắc).
- Khen cấp nhà nước:
Căn cứ số lượng do Hội đồng Thi đua -
Khen thưởng Trung ương phân bổ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh sẽ xem xét,
kết hợp lấy ý kiến Ban Chỉ đạo chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn và
xây dựng nông thôn mới để trình khen cấp nhà nước cho các tập thể, cá nhân có
thành tích nổi trội trong số đã được tỉnh khen.
b) Hình thức và mức khen thưởng:
- Đối với xã:
+ 01 giải nhất: Được tặng Cờ thi đua
xuất sắc và tiền thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm
2010 của Chính phủ kèm theo công trình phúc lợi trị giá 01 tỷ đồng;
+ 02 giải nhì: Mỗi giải được tặng bằng
khen của UBND tỉnh và tiền thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng
4 năm 2010 của Chính phủ kèm theo công trình phúc lợi trị giá 700.000.000 đồng.
+ 03 giải ba: Mỗi giải được tặng bằng
khen của UBND tỉnh và tiền thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng
4 năm 2010 của Chính phủ kèm theo công trình phúc lợi trị giá 500.000.000 đồng.
+ 05 giải khuyến khích: Mỗi giải được
tặng bằng khen của UBND và tiền thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15
tháng 4 năm 2010 của Chính phủ kèm theo công trình phúc lợi trị giá 300.000.000
đồng.
- Đối với huyện:
+ 02 giải nhất (thuộc 02 cụm huyện,
thị xã, thành phố): Được tặng cờ thi đua xuất sắc và tiền thưởng theo Nghị định
số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ kèm theo công trình xây
dựng cơ bản trị giá 05 tỷ đồng.
+ 02 giải nhì (thuộc 02 cụm huyện, thị
xã, thành phố): Được tặng bằng khen của UBND tỉnh và tiền thưởng theo Nghị định
số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ kèm theo công trình xây
dựng cơ bản trị giá 03 tỷ đồng.
+ 01 giải ba (thuộc cụm huyện: Cụm
02): Được tặng bằng khen của UBND tỉnh và tiền thưởng theo Nghị định số
42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ kèm theo công trình xây dựng
cơ bản trị giá 02 tỷ đồng.
- Đối với sở, ngành, đoàn thể, các
đơn vị trực thuộc sở và trực thuộc huyện, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế
- xã hội, tập thể và cá nhân khác: Tặng bằng khen và tiền thưởng theo Nghị định
số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ.
- Đối với các tập thể và cá nhân khác
(ngoại trừ xã và huyện): Hình thức và mức khen thưởng được áp dụng theo quy định
của Luật Thi đua - Khen thưởng hiện hành.
4. Khen thưởng
chuyên đề:
Các sở, ngành, địa phương (hoặc liên
ngành) được phân công thực hiện các tiêu chí có thể phát động thi đua chuyên đề
đối với các tiêu chí do ngành phụ trách (Kế hoạch phát động thống nhất với Thường
trực Ban Chỉ đạo chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông
thôn mới của tỉnh và Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh trước khi ban hành).
5. Kinh phí khen
thưởng:
Kinh phí khen thưởng được cân đối từ
ngân sách của tỉnh dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông
dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Thủ tục quyết toán kinh phí đối với
công trình được thưởng thực hiện theo quy định hiện hành về xây dựng cơ bản.
6. Thủ tục trình
khen thưởng:
- Hồ sơ đề nghị khen thưởng của các sở,
ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị gửi về Ban Chỉ đạo chương trình nông
nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh (Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn), bộ phận thi đua của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo
thẩm định và tổng hợp trình Ban Chỉ đạo chương trình nông nghiệp, nông dân,
nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh xét duyệt, trình Hội đồng Thi đua
- Khen thưởng tỉnh qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh để tham mưu trình UBND tỉnh
khen thưởng.
- Các hồ sơ theo quy định hiện hành gồm:
+ Tờ trình kèm theo danh sách;
+ File danh sách đề nghị khen thưởng
theo mẫu;
+ Biên bản họp xét khen thưởng (hoặc
trích biên bản);
+ Báo cáo thành tích (theo mẫu).
IV. TIẾN ĐỘ THỰC
HIỆN
Phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai thực hiện
từ năm 2011 đến năm 2020, chia thành các giai đoạn:
1. Giai đoạn 1 (từ 2011 -
2013):
- Năm 2011: Ban hành Chỉ thị và tổ
chức phát động thi đua. Yêu cầu 100% huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát động,
đăng ký thi đua thực hiện Phong trào thi đua. Các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể thuộc tỉnh tổ chức
phát động, triển khai phong trào trong phạm vi lĩnh vực, đối tượng được phụ
trách.
- Năm
2012:
+ Cấp huyện: Hoàn thành việc phát
động thi đua, đăng ký thi đua, đăng ký chỉ đạo điểm Phong trào thi đua và ban
hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong
quý 2 năm 2012. Triển khai tổ chức thực hiện chỉ đạo điểm phong trào đến hết
năm 2012.
+ Cấp tỉnh: Các
sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị đăng
ký thi đua về tỉnh trước ngày 30.6.2012.
- Năm 2013: Đánh giá việc chỉ đạo
điểm, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Kết thúc giai đoạn 1 (2013): Ban
chỉ đạo chương trình mục tiêu xây
dựng nông thôn mới các cấp tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm.
2. Giai đoạn 2 (từ 2014 -
2015):
- Triển khai sâu rộng phong trào để
thực hiện các nội dung kế hoạch.
- Kết thúc giai đoạn 2 (2015): Ban
Chỉ đạo chương trình mục tiêu xây
dựng nông thôn mới các cấp tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện phong trào xây dựng
nông thôn mới và bình xét khen thưởng.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết
quả thực hiện giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh
tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo của Phong trào thi đua và tổng kết vào
năm 2020.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Chọn chỉ đạo điểm Phong trào
thi đua xây dựng nông thôn mới:
Chọn huyện, xã chỉ đạo điểm đến năm
2015 như sau:
- Cấp tỉnh: Chọn địa phương để chỉ đạo
điểm Phong trào thi đua gồm:
+ 01 huyện: huyện Xuân Lộc;
+ 34 xã (danh sách đính kèm), trong
đó quan tâm chỉ đạo điểm 05 xã:
Xã Long Thọ của huyện Nhơn Trạch;
Xã Xuân Định, Xuân Phú của huyện Xuân
Lộc;
Xã Xuân Tân của Thị xã Long Khánh;
Xã Tân Bình của huyện Vĩnh Cửu.
- Cấp huyện: Mỗi huyện, thị xã, thành
phố chọn các xã trong số 34 xã nêu trên để chỉ đạo điểm, ngoài ra cần chọn thêm
một số xã khác để chỉ đạo Phong trào thi đua cấp huyện. UBND các huyện, thị xã
báo cáo danh sách đăng ký chỉ đạo điểm Phong trào thi đua về Hội đồng Thi đua -
Khen thưởng tỉnh qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh và Sở Nông nghiệp - Phát
triển nông thôn trước ngày 30 tháng 4 năm 2012.
2. Đài Phát thanh truyền hình, Báo
Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai: Mở các chuyên trang,
chuyên mục, tăng cường thời lượng phát sóng nhằm biểu dương và nhân rộng những
cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, các điển hình tiên tiến về thực hiện Phong
trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”.
3. Các sở, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ Kế hoạch này và điều
kiện cụ thể để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo
nội dung, chất lượng và tiến độ; Các sở, ngành được phân công phụ trách từng nội
dung tiêu chí của Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ
chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công. Định kỳ 6
tháng, hàng năm báo cáo tình hình tổ chức thực hiện Phong trào thi đua về Ban
Thi đua - Khen thưởng tỉnh và cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Việc xét khen thưởng
hàng năm về kết quả thực hiện Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới cấp sở,
ngành, địa phương do các sở, ngành, địa phương thực hiện theo quy định của pháp
luật về thi đua, khen thưởng, gắn với phong trào thi đua yêu nước hàng năm và
được xem là một trong những nội dung trọng tâm của Phong trào thi đua yêu nước
(không xét riêng).
- Đăng ký thi đua giai đoạn 2011 -
2015 với cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chương trình nông nghiệp, nông dân,
nông thôn và xây dựng nông thôn mới và Hội đồng thi đua Khen thưởng tỉnh. Hạn
chót đăng ký thi đua là ngày 30.6.2012.
4. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
các cấp: Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo chương
trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới cùng cấp thống
nhất xây dựng kế hoạch, đề ra nội dung và biện pháp triển khai có hiệu quả
Phong trào thi đua. Các cụm thi đua các cấp trong tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể
thuộc tỉnh phải xem kết quả triển khai tổ chức thực hiện Phong trào thi đua
“Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” là nội dung quan trọng khi bình
xét thi đua và đánh giá thi đua cho các đơn vị cấp dưới hàng năm.
5. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
tỉnh:
- Hàng năm phối hợp với Ban Chỉ đạo
chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới và các
cơ quan liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình triển khai
thực hiện Phong trào thi đua ở một số địa phương, đơn vị (sẽ có thông báo và Kế
hoạch cụ thể sau).
- Trên cơ sở nội dung đề xuất bằng
văn bản của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành của cơ quan Thường trực Ban Chỉ
đạo, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh hướng dẫn các sở, ngành, địa phương
sơ, tổng kết và tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ, tổng kết cấp tỉnh.
6. Sở Nội vụ (Ban Thi đua -
Khen thưởng tỉnh): Chủ trì, phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Triển khai, đôn đốc việc tổ chức thực
hiện phong trào thi đua. Định kỳ báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Thi đua - Khen thưởng
Trung ương về việc triển khai thực hiện phong trào thi đua theo Kế hoạch này.
- Tham mưu cho Hội đồng Thi đua -
Khen thưởng tỉnh tổ chức kiểm tra, khen thưởng việc triển khai và thực hiện
Phong trào thi đua này.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chương
trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới): Chủ trì phối
hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh), các cơ quan liên quan:
- Xây dựng tiêu chí thi đua khen
thưởng cụ thể, ban hành trong quý 2/2012 để khích lệ các tập thể, cá
nhân ra sức thi đua ngay từ những tháng đầu, năm đầu của giai đoạn nhằm tạo động
lực thúc đẩy Phong trào đạt kết quả tốt nhất; làm đầu mối tập họp đăng ký thi
đua, tổng kết chấm điểm thi đua, tổng hợp gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh
làm căn cứ tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét khen thưởng. Định kỳ
báo cáo với UBND tỉnh và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tình hình thực hiện
Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo phân công tại Quyết định số
2418/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh.
- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chương
trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trực tiếp phát
động thi đua, triển khai Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua này tại
một số đơn vị, địa phương vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Kịp thời đề xuất các nội dung để
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh hướng dẫn các sở, ngành, địa phương sơ, tổng
kết và tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ, tổng kết cấp tỉnh đúng thời gian.
8. Sơ kết, tổng kết Phong trào
thi đua xây dựng nông thôn mới: Các sở, ngành, Mặt
trận Tồ quốc, đoàn thể thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động
tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo điểm Phong trào thi
đua để nhân rộng mô hình cho giai đoạn tiếp theo. Cụ thể:
- Cấp xã sơ kết việc thực
hiện Phong trào thi đua theo Kế hoạch này vào cuối tháng 6 năm 2013 và tổng
kết vào tháng 6 năm 2015.
- Cấp huyện sơ kết việc thực hiện
Phong trào thi đua theo Kế hoạch này vào cuối tháng 8 năm 2013 và tổng kết
vào tháng 8 năm 2015.
- Cấp tỉnh sơ kết việc thực hiện
Phong trào thi đua theo Kế hoạch này vào tháng 10 năm 2013 và tổng kết vào
tháng 10 năm 2015 và đề ra Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua
giai xây dựng nông thôn mới đoạn 2016 - 2020.
9. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan,
cân đối kinh phí từ ngân sách và bố trí công trình để khen thưởng bằng công
trình cho các địa phương; Hướng dẫn địa phương các thủ tục để nhận công trình.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam: Các cấp, các đoàn thể nhân dân, các
cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các hội viên,
đoàn viên, nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; phát hiện, nhân rộng
các điển hình trong phạm vi toàn tỉnh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với
tình hình thực tiễn theo đề nghị của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện,
thị xã, thành phố, Sở Nội vụ tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo chương
trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh tổng hợp,
báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Ban TĐKT Trung ương (A+B);
- Ban Chỉ đạo TW Chương trình MTQG XDNTM;
- Văn phòng điều phối chương trình Xây dựng NTM;
- Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh; Thường trực UBMTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Chánh, Phó Văn phòng UBND tỉnh;
- Ban Tuyên Giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Các thành viên Hội đồng TĐKT tỉnh;
- Các thành viên BCĐ CT NNNDNT và XD NTM tỉnh;
- Đơn vị thành viên các Cụm thi đua thuộc tỉnh;
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa;
- Báo Đồng Nai, Đài PTTH Đồng Nai;
- Trung tâm công báo;
- Lưu: VT, VX, TH, KT, CNN, TĐKT.
<Bich Thuy-BTĐKT>
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Đinh Quốc Thái
|