Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 164/KH-UBND
Ngày ban hành 21/06/2022
Ngày có hiệu lực 21/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Tráng Thị Xuân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/KH-UBND

Sơn La, ngày 21 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc tại văn bản số 655/UBDT-KHTC ngày 29/4/2022 về xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Thông báo số 299/TB-VPUB ngày 20/6/2022 của Văn phòng UBND tỉnh về kết quả Phiên họp chuyên đề tháng 6 năm 2022, UBND tỉnh Sơn La khóa XV,

Theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 31/TTr-BDT ngày 27/5/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 10/NQ-CP và các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.

- Xác định rõ nội dung, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác dân tộc. Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS.

- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm tổ chức thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời gian tới. Phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong việc chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Yêu cầu

- Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch. Quá trình triển khai phải bám sát các nội dung theo Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Nâng cao vai trò tham mưu, đề xuất của các ngành, các địa phương về cơ chế, giải pháp thực hiện các chính sách dân tộc, đồng thời tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

- Phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể và tiến độ triển khai tổ chức thực hiện cho các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được giao chủ trì hoặc phối hợp tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp được đề ra trong kế hoạch.

- Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, ngành mình, căn cứ nội dung của kế hoạch này triển khai xây dựng Kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ, có hiệu quả nội dung kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo thứ tự ưu tiên:

- Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; quan tâm công tác truyền thông, tuyên truyền và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc; giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm số xã, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số có đủ về cơ cấu, phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng và Nhà nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2025

- Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020.

- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo 4 - 5%/năm; hết năm 2025 có ít nhất 01 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4 - 5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn nông thôn mới.

- Phấn đấu 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 85% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 100% xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 99% hộ gia đình được sử dụng điện lưới an toàn; tỷ lệ người sử dụng intenet đạt 50% trở lên; 80% hộ nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% người dân có thẻ bảo hiểm y tế.

- Phấn đấu hoàn thành 50% số điểm định canh định cư; giải quyết 90% số hộ di cư không theo quy hoạch và tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có khó khăn về đất sản xuất, đất ở.

- Phấn đấu đào tạo cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số có trình độ cao đẳng, đại học đạt 90%. Tỷ lệ người lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề phù hợp đạt từ 35%, trong đó 65% là lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 18 đến 35 tuổi.

[...]