Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị Quyết 55-NQ/TW do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 164/KH-UBND
Ngày ban hành 08/05/2020
Ngày có hiệu lực 08/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 08 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 55-NQ/TW NGÀY 11/02/2020 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động số 2188-CTr/TU ngày 14/4/2020 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch thực hiện thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị Quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ chính trị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Bảo đảm cung cấp nguồn năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Khuyến khích, đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức sản xuất, kinh doanh trong phát triển năng lượng. Chủ động nâng cấp, xây dựng hệ thống lưới điện, phân phối điện từng bước hiện đại, thông minh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của tỉnh, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và các năm tiếp theo; phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh đáp ứng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong giai đoạn 2021 - 2030 trên 10%/năm. Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035, dự báo nhu cầu điện theo công suất cực đại là 360MW năm 2020, 670MW năm 2025, 1.030MW năm 2030 và 1.400MW năm 2035.

- Xây dựng hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, hiệu quả, kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Tổn thất điện năng dưới 6%.

- Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.

- Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn ngang mức bình quân của cả nước.

- Giảm lượng tiêu thụ xăng dầu trong giao thông vận tải so với dự báo nhu cầu 5%.

- Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

II. GIẢI PHÁP, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực điện lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa

- Rà soát, bổ sung xây dựng hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng trên địa bàn theo hướng bền vững, đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hp với quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, vùng của tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Rà soát các dự án phát điện đang vận hành và đã có trong quy hoạch bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hóa, chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên.

Đối với thủy điện: Huy động tối đa các nguồn thủy điện hiện có; nghiên cứu xem xét về tiềm năng thủy điện trên địa bàn, cân nhắc kỹ ảnh hưởng đến môi trường, đời sống Nhân dân, sản xuất nông nghiệp của việc phát triển bổ sung thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng.

Đối với điện gió: Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện; đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung danh mục các Nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh do các nhà đầu tư đang nghiên cứu khảo sát đề xuất vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (bao gồm: Nhà máy điện gió HBRE Hà Tĩnh - 120MW; Nhà máy điện gió Kỳ Anh PT1 - 50MW; Nhà máy điện gió Kỳ Anh PT2 - 50MW; Nhà máy điện gió Kỳ Anh PT3 - 50MW; Nhà máy điện gió Kỳ Anh MK - 400MW).

Đối với điện mặt trời: Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước phù hợp với Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới các tổ chức, cá nhân để khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước.

Đối với nhiệt điện: Khuyến khích các dự án nhiệt điện sử dụng khí đồng bộ từ khâu cung ứng, lưu trữ nhiên liệu và xây dựng nhà máy trên cơ sở giá bán điện xác định thông qua đấu thầu. Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); chuyển đổi dự án nhiệt điện sử dụng than đã được quy hoạch sang nhiệt điện khí sử dụng LNG.

Đối với điện sinh khối, rác thải và chất thải rắn: Nghiên cứu, khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát; tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối; xem xét rà soát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các Nhà máy điện sinh khí học trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo quy định.

- Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành điện, cơ chế cho phép phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp.

- Tạo điều kiện cho ngành điện thực hiện đầu tư hiện đại hoá từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện. Tranh thủ các nguồn vốn, xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp, phát triển mới lưới điện cao thế, trung thế, hạ thế phù hợp quy hoạch và thực tiễn nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, giảm tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối điện.

- Áp dụng đồng bộ các giải pháp trong quản lý kinh doanh, kỹ thuật, vận hành hệ thống điện để giảm tổn thất lưới điện.

2. Rà soát các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng đồng bộ với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả

- Rà soát lại các lĩnh vực sản xuất tiêu thụ năng lượng trên địa bàn, tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu suất để đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng theo quy định. Có cơ chế khuyến khích đầu tư các dự án công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và hiệu quả về kinh tế - xã hội. Không cấp phép đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng.

- Rà soát, điều chỉnh phân bố các nguồn tiêu thụ năng lượng linh hoạt theo hướng phân tán, hạn chế việc tập trung quá mức vào một số khu vực, địa phương.

[...]