Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 163/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 163/KH-UBND
Ngày ban hành 23/10/2020
Ngày có hiệu lực 23/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Đỗ Thanh Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 163/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 23 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Thực hiện Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước (viết tắt là Đề án) và Quyết định số 612/QĐ-BNV ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Bảo đảm thống nhất về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế; thông tin cơ bản về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị được quản lý tập trung, thống nhất trong cơ sở dữ liệu; cơ quan, đơn vị được cấp quyền khai thác để phục vụ công tác quản lý cán bộ.

- Kế thừa kết quả đã triển khai, thông qua các giải pháp chuẩn hóa, chuyển đổi, tích hợp để tạo lập, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào quản lý vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

2. Yêu cầu:

- Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức phải phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quá trình xây dựng Chính quyền điện tử; ngoài việc phục vụ công tác thống kê, báo cáo, hoạch định chính sách, còn phải gắn với công tác quản lý điều hành, giảm thiểu các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác cán bộ như: Kê khai, bổ sung sơ yếu lý lịch và tài sản, thu nhập, thẩm tra, xác minh,... góp phần đổi mới quan trọng công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức phải được từng cán bộ, công chức, viên chức, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quan tâm, chung tay xây dựng và cập nhật thường xuyên, liên tục, quản lý theo quy định, liên thông trong toàn hệ thống chính trị. Việc phân công, phân cấp khi thực hiện quản lý, khai thác, duy trì, sử dụng phải tuân theo quy định thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

- Gắn việc thực hiện mục tiêu của Kế hoạch với nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là cải cách hành chính, cải cách công vụ, để đạt được các mục tiêu cụ thể đã đề ra.

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện theo lộ trình, tiến độ Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Năm 2020:

Triển khai, hướng dẫn danh mục chuẩn thông tin, biểu mẫu kê khai hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; lưu trữ điện tử; hệ thống các chuẩn thông tin, chỉ dẫn kỹ thuật, chuẩn kết nối, chia sẻ và bảo mật dữ liệu liên quan để phục vụ việc chuẩn hóa, chuyển đổi, cập nhật và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức viên chức.

2. Năm 2021:

- Tiếp nhận hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ chuyển giao.

- Thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa và cập nhật bổ sung dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế vào cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của địa phương; tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

3. Năm 2022 và các năm tiếp theo:

- Đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào quản lý và khai thác sử dụng. Gắn việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý cán bộ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Đến năm 2023 sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, sơ yếu lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu bầu cử,.... Từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống; thực hiện việc giao biên chế công chức, số người làm việc và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ trong các cơ quan, đơn vị qua hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu.

- Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành và địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng:

- Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị được điều chỉnh trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.

- Cán bộ, công chức đang công tác được điều động, luân chuyển giữ các chức danh chủ chốt trong các hội và tổ chức phi chính phủ.

- Người được ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ.

[...]