Kế hoạch 161/KH-UBND năm 2021 về nâng cao chất lượng học sinh giỏi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 161/KH-UBND
Ngày ban hành 24/09/2021
Ngày có hiệu lực 24/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 161/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 24 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC SINH GIỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ các thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 09/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009; số 37/2013/TT-BGDĐT ngày 27/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25/11/2011 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT ngày 19/11/2012; số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 về Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025; Thông báo số 148-TB/TU ngày 16/4/2021 của Tỉnh ủy Tuyên Quang về việc thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo; Kết luận số 207-KL/TU ngày 19/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giao việc đột phá, đổi mới năm 2021 và giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 05/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Kết luận số 226-KL/TU ngày 10/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 15/01/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 13/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng học sinh giỏi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng học sinh giỏi cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; tăng số lượng, chất lượng giải của các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia; phấn đấu có học sinh tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

- Số lượng và chất lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 (theo cơ cấu xếp giải của 09 môn dự thi: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lí, Tin học, Tiếng Anh): đối với học sinh lớp 9 THCS có 46 giải Nhất, 1.685 giải nhì, 319 giải Ba, 745 giải Khuyến khích; học sinh lớp 11 THPT có 51 giải Nhất, 234 giải nhì, 581 giải Ba, 851 giải Khuyến khích; học sinh lớp 12 THPT có 66 giải Nhất, 249 giải nhì, 669 giải Ba, 686 giải Khuyến khích (chi tiết tại Phụ lục số 01, 02, 03 kèm theo).

- Số lượng và chất lượng học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025 (theo cơ cấu 09 môn dự thi: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lí, Tin học, Tiếng Anh): Phấn đấu có 04 giải Nhất, 28 giải nhì, 55 giải Ba, 58 giải Khuyến khích; có ít nhất 01 học sinh (thuộc 05 môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học) tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế (chi tiết tại Phụ lục số 04 kèm theo).

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp

Tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Đưa chỉ tiêu về nâng cao chất lượng học sinh giỏi vào kế hoạch phát triển giáo dục ở địa phương để chỉ đạo tổ chức thực hiện; ban hành các văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy đảng và lãnh đạo các cơ sở giáo dục, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn về công tác bồi dưỡng và nâng cao chất lượng học sinh giỏi.

Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện phân cấp quản lý trong giáo dục, tăng cường thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục. Nêu cao vai trò, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng trong công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ giáo dục của nhà trường nói chung, công tác bồi dưỡng và nâng cao chất lượng học sinh giỏi nói riêng.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và nhiệm vụ nâng cao chất lượng học sinh giỏi các cấp. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác bồi dưỡng và nâng cao chất lượng học sinh giỏi.

Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh về yêu cầu đổi mới giáo dục cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại trà, chương trình giáo dục phổ thông và chất lượng giáo dục mũi nhọn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên, là sứ mệnh của mỗi đơn vị, mỗi nhà trường, góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu của địa phương và các nhà trường.

3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục; thực hiện thi tuyển chức danh hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn đối với các trường để lựa chọn, bổ nhiệm lãnh đạo quản lý có đức, có tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới. Thực hiện “đặt hàng”, “giao nhiệm vụ” cho trưởng phòng, phó trưởng phòng chuyên môn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện, thành phố; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, việc thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy, học của nhà trường.

Hằng năm, ngành giáo dục và đào tạo, từng đơn vị trực thuộc, các trường và mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao để thực hiện các mục tiêu, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục đã đề ra, lấy kết quả thực hiện làm căn cứ đánh giá, xếp loại cơ quan, đơn vị, nhà trường và cán bộ quản lý, giáo viên hằng năm và là căn cứ luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm cán bộ quản lý.

Thực hiện chính sách ưu tiên trong việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có phẩm chất chính trị tốt, năng lực chuyên môn giỏi, có nhiều kinh nghiệm và nhiệt huyết trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi từ các trường THCS, THPT trên toàn tỉnh về công tác tại các trường THCS trọng điểm, trường THPT Chuyên. Tăng cường tổ chức các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề giữa các trường THCS trọng điểm, trường THPT Chuyên với các trường THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường được trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục nói chung và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng.

Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các cấp học làm nòng cốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Tổ chức cho đội ngũ cốt cán tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực khoa học giáo dục, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên và môn Toán; tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu các tài liệu, giáo trình nước ngoài, các bài báo, công trình nghiên cứu khoa học của các học giả trong nước và quốc tế; thực hiện bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ trong quản lý và sử dụng trang thiết bị đồ dùng dạy học, thiết bị thí nghiệm thực hành các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học và các trang thiết bị dạy học hiện đại khác.

4. Đổi mới công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng học sinh giỏi

Triển khai xây dựng, ban hành cấu trúc chương trình, nội dung tài liệu bồi dưỡng và khung ma trận đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh từ lớp 8 đến lớp 12, đảm bảo tính liên thông trong công tác bồi dưỡng và nâng cao chất lượng học sinh giỏi từ cấp THCS đến THPT.

[...]