ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1598/KH-UBND
|
Ninh Thuận, ngày 19 tháng 4 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC
QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2018-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Phần một
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ GIAI ĐOẠN 2012-2017:
I. Kết quả thực hiện:
1. Công tác quản lý, chỉ đạo và điều
hành :
a) Thành lập Ban Chỉ đạo, Ban
điều hành thực hiện Kế hoạch:
- Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế
hoạch số 1679/KH-UBND ngày 12/4/2012 về việc triển khai thực hiện Đề án “Dạy và
học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trong các
cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2012-2020 (sau đây gọi tắt
là Kế hoạch số 1679) và Quyết định số 2059/QĐ-UBND ngày 09/10/2014 về việc
thành lập Ban chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tỉnh Ninh Thuận.
- Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết
định số 277/QĐ-SGDĐT ngày 22/5/2013 về việc thành lập Ban điều hành của Sở Giáo
dục và Đào tạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 1679. Ban điều hành gồm 12 đồng
chí được phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện Kế hoạch 1679 của Ủy ban nhân dân
tỉnh.
b) Ban hành văn bản hướng dẫn,
chỉ đạo thực hiện:
Để triển khai thực
hiện có hiệu quả Kế hoạch 1679, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo
ban hành các văn bản sau:
- Về công tác
xây dựng kế hoạch tổ chức rà soát năng lực ngôn ngữ của giáo viên tiếng Anh có
các văn bản: số 629/SGDĐT-GDTH ngày 08/5/2012, số 782/SGDĐT-GDTH ngày
31/5/2012, số 1083/SGDĐT-GDTH ngày 13/7/2012, số 1673/SGDĐT-GDTrH ngày
01/10/2012, số 1907/SGDĐT-GDTrH ngày 31/10/2012;
- Về bồi dưỡng
nâng cao năng lực và khảo sát cấp chứng nhận năng lực cho giáo viên đã qua bồi
dưỡng có các văn bản: số 789/TTr-SGDĐT ngày 27/5/2013, số 1239/SGDĐT-GDTrH ngày
12/8/2013; số 1556/SGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014;
- Về tập huấn
giáo viên giảng dạy và sử dụng thiết bị; tổ chức mua sắm thiết bị và đầu tư cơ
sở vật chất, kiểm tra, đánh giá việc sử dụng thiết bị dạy học Sở Giáo dục và
Đào tạo có văn bản số 582/SGDĐT-KHTC ngày 24/4/2014;
- Về thực hiện kế
hoạch dạy học hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có công văn hướng dẫn theo
quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, riêng năm học 2016-2017 có văn bản số
1373/SGDĐT-GDTrH ngày 25/7/2016 quy định cụ thể việc dạy học tiếng Anh theo
chương trình mới;
- Về hướng dẫn
thực hiện tổ chức, quản lý công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh có văn bản số
1348/HD-SGDĐT ngày 19/7/2016;
- Ngoài ra hằng năm đã ban hành các
văn bản chỉ đạo, hướng dẫn dạy học và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên
nhằm nâng cao chất lượng dạy học và đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra
đánh giá, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Công văn: số 652/SGDĐT-TCCB
ngày 11/4/2017 về việc rà soát và tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ giáo
viên tiếng Anh cấp TH, THCS và THPT; số 657/SGDĐT-TCCB ngày 12/4/2017 về việc cân đối biên chế giáo viên, bố trí giáo viên dạy Tiếng Anh cho các
trường tiểu học chưa tổ chức dạy tiếng Anh đến năm học 2017-2018; số 771/SGDĐT-GDTrH ngày 28/4/2017 về việc hướng dẫn ôn tập môn tiếng Anh
trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT và THPT chuyên từ năm học 2017-2018; số
1802/SGDĐT-GDTrH ngày 16/6/2017 về việc phối hợp tổ chức bồi dưỡng nâng cao
nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh với trường Đại học Ngoại ngữ
- Đại học Đà Nẵng theo Công văn số
714/KH-ĐHNN ngày 01/6/2017, về việc phối hợp tổ chức bồi
dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ
thuộc khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.
- Đối với công tác kiểm tra, giám sát,
Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 679/SGDĐT-GDTrH ngày 17/4/2017 về
kế hoạch kiểm tra việc dạy học và kiểm tra, đánh giá môn tiếng Anh cấp Tiểu học,
THCS và THPT và Công văn số 256/QĐ-SGDĐT ngày 20/4/2017 quyết định về việc
thành lập Tổ kiểm tra việc dạy - học và kiểm tra, đánh giá học sinh của môn tiếng
Anh cấp Trung học.
2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng
giáo viên tiếng Anh:
a) Rà soát năng lực ngoại ngữ của giáo viên tiếng Anh:
Năm 2012 đã tổ chức rà soát năng lực
tiếng Anh cho tất cả giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy ở các cấp học, ngành học
(gồm 501 giáo viên cấp Tiểu học, THCS, TTPT, GDTX).
Đã tổ chức thi và cấp chứng nhận năng
lực ngôn ngữ cho 528 giáo viên tiếng Anh sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng.
b) Bồi dưỡng nâng cao năng lực
ngoại ngữ cho giáo viên:
- Bồi dưỡng giáo viên ở trong nước:
Năm học 2013-2014 đã tổ chức 12 lớp bồi dưỡng nâng cao
năng lực cho 421 giáo viên tiếng Anh các cấp; Trong đó: có 04 lớp từ trình độ A1
lên A2; 06 lớp từ trình độ A2 lên B1; 02 lớp
từ trình độ B1 lên B2. Đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra
của Kế hoạch. Năm học 2015-2016 đã tổ chức bồi dưỡng 50 giáo viên tiếng Anh cốt
cán có năng lực ngôn ngữ đạt chuẩn hoặc cận chuẩn; Trong
đó: có 15 giáo viên Tiểu học, 18 giáo viên THCS, 17 giáo
viên THPT. Đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra của Kế hoạch.
- Bồi dưỡng giáo viên, chuyên viên ở
nước ngoài: Năm 2011 có 03 giáo viên và 01 chuyên viên tham dự bồi dưỡng tại
Singapore; Năm 2014 có 01 chuyên viên phụ trách môn tiếng Anh của Sở Giáo dục
và Đào tạo tham gia bồi dưỡng tại Hoa Kỳ. Đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra của
Kế hoạch.
c) Bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ:
Năm học 2011-2012: Bồi dưỡng dạy học
tiếng Anh thí điểm cho 08 giáo viên tại Đại học Huế (Thời lượng 144 tiết; kết
quả đạt được có 06 giáo viên đạt trình độ bậc 3 và 02 giáo viên đạt bậc 2) và bồi
dưỡng 32 giáo viên tiếng Anh cấp Tiểu học tại Đại học Quy
Nhơn.
Từ năm học 2012-2013 đến năm học
2016-2017: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giáo viên cốt
cán về nâng cao năng lực cho giáo viên, dạy học và kiểm tra đánh giá theo
chương trình mới 10 năm, tập huấn về trường học điển
hình,.... Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tập huấn lại cho toàn thể giáo
viên của tỉnh.
3. Kết quả triển khai chương trình
tiếng Anh mới (hệ 10 năm):
a) Năm học 2011-2012: Cấp Tiểu học đã triển khai dạy học tiếng Anh từ lớp
3 tại 107/147 trường, cho 24.101 học sinh, đạt tỷ lệ 73,8%.
b) Năm học 2012-2013: Cấp Tiểu học đã tổ chức dạy học tiếng Anh tại
118/152 trường cho 26.146 học sinh, tỷ lệ 79,2 %. Cấp THCS
đã triển khai dạy học tiếng Anh thí điểm lớp 6 cho 03 lớp/100 học sinh ở 02 trường
THCS/63 trường, đạt tỷ lệ 1,0% số học sinh lớp 6.
c) Năm học 2013-2014:
- Cấp Tiểu học đã triển khai dạy
học tiếng Anh từ lớp 3 tại 121/152 trường cho 27.345 học sinh học, đạt tỷ lệ
82,1%;
- Cấp THCS tiếp tục triển khai
dạy học tiếng Anh chương trình mới ở lớp 6 tại 14/63 trường
với 27 lớp/928 học sinh, đạt tỷ lệ 9,0 % số học sinh lớp 6 và triển khai dạy học
tiếng Anh thí điểm lớp 7 tại 02/63 trường, cho 99 học sinh, đạt tỷ lệ 1,1% số học
sinh lớp 7;
- Cấp THPT triển khai chương
trình thí điểm lớp 10 tại 02/19 trường với 03 lớp cho 121 học sinh, đạt tỷ lệ
2,0 % số học sinh lớp 10.
d) Năm học 2014-2015:
- Cấp Tiểu học tổ chức dạy học
tiếng Anh từ lớp 3 theo chương trình mới tại 128/152 trường, 1.028 lớp, 27.890
học sinh, đạt tỷ lệ 83,8 %;
- Cấp THCS: Tiếp tục triển
khai dạy học tiếng Anh lớp 6 mới tại: 14/64 trường với 68/315 lớp cho 2.457 học
sinh, tỷ lệ 23,7 % số học sinh lớp 6; Triển khai dạy học tiếng Anh lớp 7 mới tại:
14/64 trường với 27/294 lớp cho 842 học sinh, tỷ lệ 9,1 % số học sinh lớp 7;
Triển khai dạy học tiếng Anh thí điểm lớp 8 tại: 02 /64 trường với 03 lớp cho
95 học sinh, đạt tỷ lệ 1,2% số học sinh lớp 8;
- Cấp THPT: Tiếp tục triển khai chương trình lớp 10 mới tại: 02/19 trường với 04 lớp
cho 162 học sinh, tỷ lệ 2,9 % số học sinh lớp 10; Triển khai chương trình lớp 11 thí điểm tại: 02/19 trường với 03 lớp
cho 121 học sinh, đạt tỷ lệ 2,5 % số học sinh lớp 11.
e) Năm học 2015-2016:
- Cấp Tiểu học tổ chức dạy học
tiếng Anh từ lớp 3 theo chương trình mới tại 113/152 trường, với 27.191 học
sinh, đạt tỷ lệ 82,9%. (Riêng huyện Bác Ái và một số trường của các huyện không
tổ chức dạy học tiếng Anh cho học sinh vì không có kinh phí.
- Cấp THCS có 262 lớp với
9.028 học sinh, đạt tỉ 25,7% số học sinh THCS được học tiếng Anh theo chương
trình mới (chương trình tiếng Anh 10 năm), cụ thể: Tiếp tục triển khai dạy học
tiếng Anh chương trình mới cho: Lớp 6 ở 19/65 trường, 68/308 lớp với 5.639 học
sinh lớp 6, tỷ lệ 55,8 % số học sinh lớp 6; Lớp 7 ở 14/65 trường, 68/286 lớp với
2.457 học sinh, tỷ lệ 26,2% số học sinh lớp 7; Lớp 8 ở 14/64 trường, 27/262 lớp
với 842 học sinh, tỷ lệ 10,1% số học sinh lớp 8; Triển khai dạy học tiếng Anh
thí điểm lớp 9 tại 02/65 trường với 03 lớp cho 90 học sinh, tỷ lệ 1,2% số học
sinh lớp 9; Kết quả học tập cả năm lớp 9 của học sinh 3 lớp tham gia thí điểm đạt
loại Giỏi 54,4%, loại khá 37,8% và loại trung bình 7,8%.
- Cấp THPT có 22 lớp với 833 học
sinh, tỷ lệ 5,4% số học sinh THPT được học tiếng Anh theo chương trình mới
(chương trình tiếng Anh 10 năm), cụ thể: Lớp 10 có 04/19 trường với 15 lớp, 550
học sinh, tỷ lệ 9,2% số học sinh lớp 10; Lớp 11 có 02/19 trường với 04 lớp, 162
học sinh, tỷ lệ 3,4% số học sinh lớp 11; Triển khai chương trình thí điểm lớp
12 tại 02/19 trường với 03 lớp, 121 học sinh, tỷ lệ 2,6% số học sinh lớp 12;
- Tổ chức tốt việc đánh giá năng lực
đầu ra cho 113 học sinh lớp 12 THPT tham gia chương trình thí điểm theo hướng dẫn
của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả có 87/113 học sinh đạt
bậc 3, đạt tỷ lệ 77,0%; trong đó: Loại Trung bình có 12 học sinh, tỷ lệ 12,4%;
Loại Khá có 35 học sinh, tỷ lệ 31,0%; Loại Giỏi có 38 học sinh, tỷ lệ 33,6%. Học
sinh được sử dụng kết quả này để thay thế môn thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT
quốc gia năm 2016.
g) Năm học 2016-2017:
- Cấp Tiểu học có 125/152 trường tổ
chức dạy học tiếng Anh (toàn tỉnh còn 27 trường Tiểu học chưa tổ chức dạy học
tiếng Anh, riêng huyện Bác Ái 100% không tổ chức dạy học tiếng Anh cho học
sinh).
- Cấp THCS có 65/65 trường THCS tổ chức
dạy học tiếng Anh theo Chương trình mới với 10.548 học sinh lớp 6 học tiếng Anh
Chương trình mới, đạt 100%; Khối 7 có 5.639/9.622 học sinh; Khối 8 có 2.457/8.773] Khối 9 có 842/7.603; Toàn cấp THCS có
19.486/36.546, đạt 53,3%.
- Cấp THPT có
19/19 trường THPT tổ chức dạy học tiếng Anh theo Chương trình mới với 5.909 học
sinh lớp 10 học tiếng Anh Chương trình mới, đạt 100%; Khối 11 có 550/5.361 học
sinh; Khối 12 có 162/4.593; Toàn cấp THPT có 6.621/15863, đạt 41,7%.
4. Công tác xây dựng trường điển
hình về đổi mới dạy học ngoại ngữ:
Về xây dựng trường học điển hình về đổi
mới dạy và học ngoại ngữ: Ngành GDĐT đã chọn 03 trường (mỗi
cấp học 01 trường) thuộc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có điều kiện về cơ sở
vật chất và đội ngũ giáo viên để triển khai xây dựng trường học điển hình gồm
Trường Tiểu học Mỹ Hương, Trường THCS Lê Hồng Phong và Trường THPT Chuyên Lê
Quý Đôn.
Tổ chức các hoạt động chuyên môn: Bộ
Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 8 đợt bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý và
giáo viên; tổ chức tập huấn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá
theo định hướng phát triển năng lực học sinh cho giáo viên 3 cấp học của trường
điển hình. Một số trường THPT như: Nguyễn Du, Tôn Đức Thắng, Ninh Hải, Chuyên
Lê Quý Đôn,..., đã tổ chức các cuộc thi ‘Hùng biện tiếng Anh’ nhằm xây dựng môi
trường dạy và học ngoại ngữ, tạo sân chơi và môi trường sử dụng tiếng Anh. Sử dụng
tiếng Anh trong sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn (như giáo viên tiếng Anh trường
THPT Phan Chu Trinh).
5. Công tác mua sắm, sử dụng thiết
bị, học liệu; đầu tư cơ sở vật chất:
Mua sắm thiết bị, học liệu và cơ sở vật
chất: Năm học 2011 và 2012 trang bị 06 phòng lab cho 06 trường THPT. Năm học
2013-2014 trang bị 658 máy CD cho tất cả các trường TH, THCS, THPT trong toàn tỉnh
(233 trường).
Trang bị máy chiếu, máy vi tính, máy
chiếu vật thể và âm thanh phòng học cho 28 trường THCS tham gia thí điểm và triển
khai mở rộng dạy học tiếng Anh theo chương trình mới của Đề án Ngoại ngữ 2020.
6. Tình hình sử dụng kinh phí thực
hiện Kế hoạch số 1679:
Tổng kinh phí đã sử dụng để thực hiện
Kế hoạch từ năm 2011 đến năm 2016 là: 13.218 triệu đồng, tập trung vào công tác
khảo sát năng lực giáo viên, bồi dưỡng giáo viên dạy ngoại ngữ và trang thiết bị
phục vụ dạy học ngoại ngữ,
Kinh phí được cấp sử dụng đạt 17,6%
so với kế hoạch (75.199 triệu), trong đó, nguồn kinh phí từ Trung ương chiếm
98,8%, nguồn kinh phí địa phương chiếm 1,2%. Cụ thể: Khảo sát năng lực giáo
viên chiếm 6,1%, bồi dưỡng, tập huấn
giáo viên chiếm 26,8%, mua sắm thiết bị chiếm 66,9%. Còn lại 39 triệu đồng.
II. Đánh giá chung:
1. Những mặt đạt được:
Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh
đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh
triển khai thực hiện Kế hoạch 1679 về cơ bản đã được các mục tiêu, yêu cầu và nội
dung của Kế hoạch số 1679, cụ thể như sau:
a) Việc tổ chức dạy học tiếng
Anh theo chương trình mới theo lộ trình của
Kế hoạch, cụ thể:
- Cấp Tiểu học: Tiếng Anh vẫn
là môn học tự chọn; trong đó, có 113/152 trường dạy học tiếng Anh với 27.191
/32.810 học sinh, tỷ lệ 82,9%; với 140 giáo viên giảng dạy (42 giáo viên biên
chế, 80 hợp đồng). Môn tiếng Anh tổ chức dạy học theo chương trình chung của Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
- Cấp THCS: Ngoài việc tổ chức
dạy học tiếng Anh hệ 7 năm cho tất cả học sinh THCS, Ninh Thuận đã tham gia
chương trình dạy học tiếng Anh thí điểm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 theo
kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm) ở 02 trường
THCS. Đến nay, số trường THCS dạy học tiếng Anh hệ 10 năm là 19/64 trường, với
9.028 /35.116 học sinh, tỷ lệ 25,7%; số giáo viên giảng dạy 260 (255 giáo viên
biên chế, 05 HĐ).
- Cấp THPT: Ngoài việc tổ chức
dạy học tiếng Anh hệ 7 năm cho tất cả học sinh THPT, Ninh
Thuận đã tham gia chương trình dạy học tiếng Anh thí điểm theo Đề án Ngoại ngữ
quốc gia 2020 theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Chương trình tiếng Anh hệ
10 năm) ở 02 trường THPT. Đến nay, số
trường THPT dạy học tiếng Anh hệ 10 năm là 04/19, với 833 /15.398 học sinh, tỷ
lệ 5,4%; Số giáo viên giảng dạy là 128.
b) Năng lực ngôn ngữ của giáo viên tiếng Anh: Đã được nâng lên đáng kể
so với kết quả khảo sát đánh giá ở năm 2012. Kết quả tính
đến tháng 9 năm 2016: Giáo viên Tiểu học có 19,3% đạt chuẩn và 40% cận chuẩn;
Giáo viên THCS có 15,8% đạt chuẩn, 48,1% cận chuẩn; Giáo viên THPT có 15,6% đạt
chuẩn, 38,3% cận chuẩn.
c) Về trang thiết bị phục vụ cho dạy học tiếng Anh: Đã trang bị cho các trường phổ thông, trung tâm GDTX tỉnh máy
cassette, máy tính, máy chiếu vật thể, loa đa năng đảm bảo cho dạy học và bồi
dưỡng giáo viên tiếng Anh.
2. Những
mặt chưa đạt được:
a) Cấp tiểu học không có biên chế giáo viên để
giảng dạy môn tiếng Anh nên việc tổ chức dạy học tiếng Anh ở cấp Tiểu học là
chưa đúng quy định và chưa đảm bảo lộ trình của Kế hoạch đã đề ra.
b) Năng lực của đội ngũ giáo viên tiếng Anh còn thấp (tuy đã được bồi
dưỡng, tập huấn) so với chuẩn quy định và yêu cầu của Kế hoạch triển khai Đề án
Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (còn 67,4% giáo viên chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ),
c) Chất lượng dạy và học môn tiếng
Anh trong nhà trường phổ thông còn thấp; thể hiện
qua kết quả các kỳ thi còn thấp (thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi THPT quốc
gia, thi Olympic tiếng Anh, thi Olympic tài năng tiếng Anh).
d) Việc tổ chức dạy học tiếng Anh theo chương trình mới còn chậm so với Kế hoạch của tỉnh, cụ thể: cấp Tiểu học đạt 82,9% số lượng học
sinh được học tiếng Anh, tuy nhiên thời lượng cho môn tiếng Anh chỉ là 2-3 tiết/tuần không đảm bảo theo quy định của chương trình mới là 4 tiết/tuần; Cấp THCS đạt 32,1%; cấp THPT đạt 6,8% số lượng học sinh học tiếng
Anh so với kế hoạch. (“đến năm học 2015 - 2016 đạt khoảng 80%; từ năm 2016 đến năm 2020 phấn đấu hầu hết các trường phổ thông trong tỉnh dạy học theo chương trình ngoại ngữ 10 năm”).
e) Kinh phí được cấp chưa đáp ứng
yêu cầu thực hiện kế hoạch, việc huy động các nguồn
vốn hợp pháp khác chưa được phát huy. Kinh phí cấp để
thực hiện Kế hoạch còn rất thấp, từ năm 2011 đến năm 2016 chỉ đạt
17,6 % kế hoạch đề ra (13.218 triệu đồng/75.199 triệu đồng). Việc sử dụng và
khai thác các chức năng của thiết bị dạy học chưa hiệu quả. Các trường điển
hình chưa được đầu tư trang bị theo hướng dẫn của Đề án.
3. Nguyên nhân của những mặt đạt
được và chưa đạt được:
a) Nguyên nhân của những mặt đạt
được:
- Trong 05 năm triển khai Kế hoạch
1679 đã đạt được những kết quả trên là do sự chỉ đạo, quan tâm thường xuyên của
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Ủy ban nhân
dân tỉnh và sự phối hợp có trách nhiệm của các Sở, ban, ngành các cấp của tỉnh
trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện
đúng sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh và chủ động
tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ủy ban nhân dân
tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tham mưu ban hành kịp thời các văn bản
chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện và trang bị một số thiết bị tối
thiểu cho các trường phổ thông để bảo đảm dạy học môn ngoại ngữ.
- Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên
bộ môn tiếng Anh toàn ngành đã nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, mục đích yêu cầu
của việc triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 nên đã có nhiều cố
gắng trong tổ chức, quản lý dạy và học môn tiếng Anh; đồng thời tích cực bồi dưỡng,
tập huấn và tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo
chương trình mới.
b) Nguyên nhân của những mặt
chưa đạt được:
Do môn tiếng Anh chưa phải là môn học
bắt buộc ở cấp Tiểu học, nên việc thực hiện lộ trình theo Kế hoạch là chưa đạt
được theo yêu cầu (do không có định biên giáo viên, không
có kinh phí để hợp đồng giáo viên giảng dạy nhất là những địa phương có điều kiện
kinh tế-xã hội khó khăn, như huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam,...). Bên cạnh
đó, đội ngũ giáo viên được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau; việc đào tạo trong
các trường Đại học, cao đẳng chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực;
việc tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực trong quá trình dạy học của giáo viên
chưa hiệu quả nên vẫn còn nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn
năng lực ngôn ngữ theo quy định. Ngoài ra một số nguyên nhân khác như: khả năng
học tiếng Anh của học sinh còn hạn chế (do tiếng Anh ở cấp Tiểu học chưa phải
là môn học bắt buộc); nhiều cha mẹ học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học
tập của con em mình; việc đầu tư nguồn lực tài chính để thực hiện Kế hoạch còn
hạn chế.
4. Bài học kinh nghiệm:
Qua thời gian tổ chức thực hiện Kế hoạch
số 1679, Ủy ban nhân dân tỉnh đã rút ra một số kinh nghiệm sau trong quá trình
thực hiện:
Việc Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đầy
đủ các văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án dạy và
học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2012-2020 là quan trọng.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo với vai trò cơ quan thường trực đã triển
khai tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ
quản lý giáo dục và giáo viên tiếng Anh trong việc thực hiện
các mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020; tăng cường
công tác bồi dưỡng, tập huấn và tự bồi dưỡng của giáo viên trong việc nâng cao
năng lực ngôn ngữ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình mới.
Hơn nữa, do tỉnh Ninh Thuận còn nhiều
khó khăn về nguồn lực, vì vậy việc hỗ trợ kinh phí của Trung ương để triển khai
Kế hoạch rất cần thiết nhằm thực hiện đúng lộ trình Kế hoạch đề ra (đào tạo, bồi
dưỡng giáo viên, cung cấp tài liệu, trang thiết bị dạy học,...).
Phần hai
KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN DẠY
VÀ HỌC NGOẠI NGỮ GIAI ĐOẠN 2018-2025
I. Căn cứ lập Kế
hoạch:
- Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày
30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án
“Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”;
- Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày
22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án
dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025;
- Công văn số 2057-CV/TU ngày
23/11/2017 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc dạy và học
ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.
II. Mục tiêu:
1. Mục tiêu chung:
a) Xác định ngoại ngữ là một yêu cầu
cấp thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh
trên các lĩnh vực. Đến năm 2025, đa số thanh niên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc
lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa
ngôn ngữ, đa văn hóa.
b) Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ
trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiếp tục triển khai chương trình dạy và học
ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại
ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn
nhân lực trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc
xây dựng và phát triển địa phương; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục
phổ thông vào năm 2025.
2. Mục
tiêu cụ thể:
a) Đối với giáo dục mầm non:
Đến năm 2025, khuyến khích phấn đấu đạt
từ 20% đến 30% số cơ sở giáo dục mầm non triển khai hoạt động cho trẻ làm quen
với ngoại ngữ; 10% số cơ sở giáo dục mầm non có phòng dạy tiếng Anh; 100% giáo
viên tiếng Anh giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn trình độ tiếng
Anh theo quy định.
b) Đối với giáo dục phổ thông:
- Triển khai đồng bộ các hoạt động của
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn
2018-2025. Mở rộng quy mô dạy học chương trình Tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại
ngữ Quốc gia. Triển khai đại trà chương trình tiếng Anh 10 năm bắt đầu từ lớp 3
(Lớp 3, 4, 5 học 4 tiết/tuần) nhằm đạt chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (năng lực ngôn ngữ của học sinh khi học hết cấp Tiểu
học cần đạt bậc 1, cấp THCS cần đạt bậc 2, cấp THPT cần đạt bậc 3 theo khung
năng lực ngôn ngữ Việt Nam hoặc tương đương).
- Phấn đấu đến năm 2022 có từ 30% đến
40% các trường Tiểu học có lớp làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 (2 tiết/tuần
và không đưa vào tiêu chí đánh giá học sinh). 100% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn
năng lực ngoại ngữ theo quy định cho từng cấp học.
- Đến năm 2025, phấn đấu 100% học
sinh từ lớp 3 đến lớp 12 được học chương trình tiếng Anh 10 năm; một số trường
THPT triển khai việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Triển khai dạy
ngoại ngữ 2 ở một số trường phổ thông có điều kiện; 100% giáo viên ngoại ngữ được
tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp giảng dạy; 100% các trường
có phòng học ngoại ngữ và tủ sách ngoại ngữ.
c) Đối với giáo dục nghề nghiệp:
- Đến năm 2020,
có 25% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo
chuẩn đầu ra của ngành, nghề đào tạo; 100% học sinh, sinh viên các ngành, nghề
đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được học ngoại ngữ; 30% học sinh, sinh
viên học các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia được học
các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ.
- Đến năm 2025, có 50% các cơ sở giáo
dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của ngành,
nghề đào tạo; 100% học sinh, sinh viên các ngành, nghề đào
tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được học ngoại ngữ; 70% học sinh, sinh viên học
các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc
gia được học các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ.
d) Đối với các cơ sở đào tạo có ngành sư phạm ngoại ngữ:
Xây dựng và triển khai dạy học ngoại ngữ
cho sinh viên chuyên ngành và không chuyên ngành theo chuẩn kiến thức và kỹ
năng dựa theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam; triển khai chương
trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của ngành nghề đào tạo. Phấn đấu 100% giáo
viên ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quy định theo trình độ đào tạo.
e) Đối với giáo dục thường xuyên:
- Đến năm 2022, hoàn thành việc xây dựng
chương trình giảng dạy ngoại ngữ trong giáo dục thường xuyên và triển khai dạy
học ngoại ngữ cho 50% học sinh THPT hệ GDTX và triển khai một số chương trình bồi
dưỡng năng lực ngoại ngữ cho CB,CC,VC trong ngành giáo dục, ưu tiên chương
trình tự bồi dưỡng.
- Đến năm 2025, triển khai dạy học
ngoại ngữ cho 100% học sinh THPT hệ GDTX và tổ chức bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ
cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành (không bao gồm đội
ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ).
III. Nhiệm vụ và
giải pháp:
1. Triển khai chương trình ngoại
ngữ 10 năm cấp học phổ thông:
- Triển khai thực hiện chương trình dạy
học ngoại ngữ 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 ở cấp học phổ thông và đạt 100% vào năm
học 2024-2025.
- Trang bị hệ thống tài liệu dạy học
ngoại ngữ theo từng cấp học.
- Khuyến khích các đơn vị có điều kiện
triển khai các chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ cho một số môn học ở các
trường trung học phổ thông theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tạo môi trường sử dụng tiếng Anh
trong dạy học ngoại ngữ ở từng cấp học, sau đó nhân rộng để triển khai áp dụng
trong toàn tỉnh (khuyến khích thành lập và phát triển câu lạc bộ giáo viên ngoại
ngữ, câu lạc bộ nói tiếng Anh, tuần lễ dạy học bằng tiếng Anh một số câu căn bản
ở các bộ môn cho các trường THPT, sinh hoạt tổ chuyên môn bằng tiếng Anh, các
cuộc thi nói, viết, hát tiếng Anh, hội thi giáo viên dạy giỏi tiếng Anh,... nhằm
tạo ra động lực và môi trường giao tiếp tiếng Anh cho giáo viên và học sinh).
2. Đổi mới phương pháp kiểm tra,
đánh giá trong dạy học và đào tạo ngoại ngữ:
- Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ
trong chương trình giáo dục thường xuyên với nội dung, chương trình đào tạo phù
hợp với các cấp học, trình độ đào tạo, góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng,
nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức; thực
hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu
người học.
- Xây dựng các dữ liệu ngân hàng câu
hỏi, phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ của người học, tăng
cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo môn ngoại ngữ, nâng cao hiệu
quả công tác khảo thí và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các môn ngoại
ngữ.
- Tổ chức kiểm tra, thi cả 4 kỹ năng
trong quá trình đánh giá thường xuyên, định kỳ, trong các kỳ khảo sát, thi tuyển
sinh 10 vào chuyên Anh, đồng thời từng bước xây dựng kế hoạch và ngân sách để
huy động nguồn lực đủ để thực hiện tiến tới
việc tổ chức thi cả 4 kỹ năng cho các kỳ thi trên toàn tỉnh.
- Tăng cường quản lý khâu ra đề kiểm
tra thường xuyên và định kì theo chuẩn kiến thức kỹ năng
(theo đề chung các lớp cuối cấp,...), bảo mật đề kiểm tra và đảm bảo công tác
coi kiểm tra tại các trường phổ thông nghiêm túc, tránh bệnh thành tích, tiêu cực
trong kiểm tra đánh giá nhằm đánh giá thực chất năng lực ngôn ngữ của học sinh,
đảm bảo tính công bằng, khách quan.
- Khảo sát năng lực ngoại ngữ để đánh
giá học sinh học theo chương trình tiếng Anh mới.
- Khảo sát năng lực ngoại ngữ đầu vào
cho học sinh, sinh viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng để có cơ sở
dạy học tăng cường theo từng trình độ.
- Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám
sát chất lượng dạy học ngoại ngữ.
3. Phát triển đội ngũ giáo viên
ngoại ngữ đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng:
- Đến năm học 2021-2022, hoàn thành
việc đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực ngôn
ngữ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Giáo viên dạy tiếng Anh
cấp Tiểu học và THCS phải đạt bậc 4/6 hoặc tương đương B2; Giáo viên cấp THPT
phải đạt bậc 5/6 hoặc tương đương C1 theo Khung tham chiếu năng lực Ngoại ngữ
chung Châu Âu. Ngoài việc tham gia thi chứng chỉ ngôn ngữ theo khung 6 bậc của
Việt Nam, khuyến khích giáo viên tham gia thi các chứng chỉ
quốc tế như: IELTS, PET, FCE, CAE, TOEFL, TOEIC,... và quy đổi trình độ tương
đương).
- Tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực
ngoại ngữ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên. Chủ yếu kết hợp giáo
viên tự học, tự bồi dưỡng bằng nhiều hình thức khác nhau với bồi dưỡng tại các
khóa học do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức phù hợp với từng cá nhân giáo viên.
- Thành lập Hội đồng bộ môn tiếng Anh; phát huy vai trò của các giáo viên trong Hội đồng bộ môn tiếng
Anh nhằm tạo cơ hội cho giáo viên tiếng Anh tham gia học tập và bồi dưỡng trong
và ngoài nước.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội
ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên cốt cán trong Hội đồng bộ môn để có thể
tham gia làm giám khảo cho các trung tâm khảo thí của tỉnh, khu vực và quốc
gia.
- Tổ chức bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ,
năng lực sư phạm, đặc biệt là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy
và học ngoại ngữ cho giáo viên, giảng viên với những nội dung thiết thực và hiệu
quả.
- Tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi về
thời gian và kinh phí cho giảng viên, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi
dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên. Tổ chức và phối hợp
tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên về phương
pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, cách thức khai thác và sử dụng nguồn học liệu.
Tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường, liên huyện, thành phố.
- Mời các tổ chức uy tín, tình nguyện
viên, giáo viên người nước ngoài tham gia tập huấn cho giáo viên, dạy học tại
các trường phổ thông đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Cử cán bộ,
giáo viên, giảng viên nòng cốt đi học tập ở nước ngoài để nâng cao khả năng
chuyên môn và năng lực ngôn ngữ.
- Bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ cho
giáo viên giảng dạy các môn khoa học tự nhiên ở trường THPT chuyên và các trường
THPT có điều kiện.
- Giáo viên đáp ứng đủ các điều kiện
được bồi dưỡng năng lực ra đề thi và năng lực chấm thi
Nói, Viết theo các định dạng đề thi
đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ
6 bậc dùng cho Việt Nam.
- Tuyển dụng giáo viên tiếng Anh đạt
chuẩn theo quy định. Đến năm 2025, 100% các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh
có đủ giáo viên dạy tiếng Anh theo chương trình mới.
- Tuyển chọn giáo viên tiếng Anh ở
các trường mầm non đảm bảo chất lượng theo quy định và số lượng theo lộ trình
triển khai của địa phương.
- Tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ đủ về
số lượng và đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn năng lực theo quy định của cấp
học, nhu cầu công việc, vị trí việc làm để triển khai thực hiện Đề án có hiệu
quả.
4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ:
- Rà soát, theo dõi việc sử dụng hiệu
quả các trang thiết bị đã được cấp phát phục vụ cho công tác giảng dạy các bộ môn
nói chung và tiếng Anh nói riêng. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị
dạy học tối thiểu cho bộ môn ngoại ngữ. Lập kế hoạch đầu
tư cơ sở vật chất tối thiểu để triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ theo lộ
trình.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết
bị phục vụ việc dạy học ở các cơ sở giáo dục, đảm bảo yêu cầu dạy học ngoại ngữ
đạt hiệu quả và chất lượng cao. Lựa chọn chương trình học trực tuyến, các nguồn
học liệu mở phù hợp với yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh
giá. Nâng cấp hệ thống thư viện, hệ thống máy tính kết nối
Internet phục vụ người học.
- Khuyến khích và bồi dưỡng cho giáo
viên năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
- Sử dụng có hiệu quả các website, phần
mềm phục vụ cho việc dạy học trực tuyến. Tận dụng các nguồn học liệu về dạy và
học ngoại ngữ như sách giáo khoa, tài liệu dạy và học, hệ thống sách mềm, phần
mềm đã được phát triển bởi các tổ chức và cá nhân trong và
ngoài nước có uy tín.
- Xây dựng không gian ngoại ngữ giúp
người học được tham gia trao đổi kiến thức và rèn luyện các kỹ năng sử dụng tiếng.
Diện tích phòng đủ rộng, các trang thiết bị như máy chiếu, ti vi, hệ thống âm
thanh, biểu bảng, bàn ghế được bố trí sắp xếp linh hoạt để thuận tiện tổ chức
các hoạt động khác nhau.
- Đầu tư xây dựng cơ sở kỹ thuật
thông tin và các phòng thi ngoại ngữ chất lượng cao (có đủ thiết bị), hướng tới
hình thức thi trên máy tính hoặc thi trực tuyến.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát việc quản lý, sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ngoại ngữ.
5. Đẩy mạnh công tác truyền thông,
hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ:
- Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm
nâng cao nhận thức toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ về việc dạy học ngoại ngữ
trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Xây dựng và phát huy mạnh mẽ các
môi trường tự học, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại
ngữ của mọi đối tượng.
- Xây dựng môi trường làm việc có sử
dụng ngoại ngữ ở các cơ quan, công sở, gắn yêu cầu về ngoại ngữ trong việc tuyển
dụng, sử dụng công chức, viên chức nhà nước, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng ngoại
ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức trẻ.
- Xây dựng, duy trì, mở rộng và nâng
cao chất lượng các chương trình truyền hình, phát thanh dành riêng cho việc dạy
và học ngoại ngữ. Khuyến khích phát hành các loại báo, tạp
chí bằng ngoại ngữ, các hoạt động văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật, thông tin tuyên
truyền, quảng bá có sử dụng ngoại ngữ.
- Xây dựng chuyên mục Đề án Ngoại ngữ
quốc gia 2025 trên website của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Tạo cơ chế thuận lợi khuyến khích
các trường học xây dựng, phát triển các hình thức liên kết, hợp tác với các tổ
chức, trường học, trung tâm ngoại ngữ ở các quốc gia bản ngữ phù hợp với việc dạy
và học ngoại ngữ ở đơn vị. Khuyến khích các cơ sở giáo dục có điều kiện tổ chức
các lớp học tăng cường với giáo viên nước ngoài, đa dạng hóa các hình thức hợp
tác cá nhân, tổ chức quốc tế phù hợp với điều kiện dạy và học ngoại ngữ của tỉnh.
- Tranh thủ sự hợp tác quốc tế trong
các cơ sở giáo dục, liên kết đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ cho các lứa tuổi và
trình độ. Thu hút sự giúp đỡ, tham gia đào tạo của các tổ chức, cá nhân, tình
nguyện viên trong và ngoài nước.
………………….
- Ngân sách địa phương: 8.971 triệu đồng
(kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được sử dụng từ nguồn tài chính của đơn
vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác).
IV. Tổ chức thực hiện:
1. Lộ trình
thực hiện:
(Đính kèm Phụ lục)
2. Phân công nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương:
a) Sở Giáo dục và
Đào tạo:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch;
hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây
dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ các cấp học.
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ kết quả
thực hiện Đề án với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội:
- Chủ trì, hướng
dẫn, tổ chức thực hiện Kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp phù hợp với lộ trình Đề án, Kế hoạch triển khai chung.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban
ngành, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để
chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục
nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo
quy định.
- Chủ trì xây dựng chương trình, kế
hoạch cụ thể để thực hiện theo từng giai đoạn, hướng dẫn,
kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
thuộc phạm vi quản lý. Hàng năm rà soát báo cáo đánh giá tình hình triển khai
thực hiện kế hoạch, kết quả thực hiện của học viên, sinh viên báo cáo gửi về Sở
Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp chung.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục
và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp,
xây dựng kế hoạch đầu tư ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án; Phối hợp với Sở
Giáo dục và Đào tạo, các Sở, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện và kiểm
tra, giám sát thực hiện Đề án.
d) Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo và các sở, ngành liên quan phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc
sử dụng kinh phí thực hiện Đề án theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách
nhà nước.
đ) Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo,
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thống nhất, xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo
viên, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên ngoại ngữ và đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ,
công chức, viên chức của tỉnh theo từng giai đoạn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định.
e) Sở Thông tin và Truyền
thông:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông nâng cao nhận thức của nhân dân,
giáo viên và học sinh về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của việc học ngoại
ngữ trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.
g) Ủy ban nhân dân huyện, thành
phố:
- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo,
các cơ quan chức năng trên địa bàn xây dựng chương trình, cụ thể hóa các mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch để chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu
quả tại địa phương; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện của
địa phương, định kỳ báo cáo cơ quan thường trực thực hiện Kế hoạch.
- Chỉ đạo thực hiện kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng giáo viên, kiểm tra đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
thường xuyên kiểm tra, rà soát những giáo viên chưa đạt chuẩn; tuyển dụng viên
chức mới theo chuẩn để đạt được mục tiêu của Đề án.
- Chỉ đạo việc thực hiện các chế độ,
chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và các chế độ, chính sách khác đối
với giáo viên trên địa bàn theo quy định.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
và các sở, ngành liên quan để chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu,
kế hoạch chung toàn tỉnh việc triển khai Kế hoạch này trên địa bàn.
h) Các cơ sở giáo dục:
Quán triệt và tổ chức thực hiện
nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo ngoại ngữ
trong cơ sở mình, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đặt
ra; tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ trong thẩm quyền mà kế hoạch đã
giao./.
Nơi nhận:
- BQL Đề án NNQG 2017-2025;
- TT. Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở: GDĐT, KHĐT, NV, LĐTBXH, TC, TTTT;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PTTH, Báo Ninh Thuận;
- VPUB: CVP, PVP (HXN);
- Lưu: VT, KGVX. NAM.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Bình
|