Kế hoạch 159/KH-UBND năm 2014 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đọan 2013-2015

Số hiệu 159/KH-UBND
Ngày ban hành 29/11/2012
Ngày có hiệu lực 29/11/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thị Bích Ngọc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 159/KH-UBND

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VIỆC LÀM VÀ DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

Thực hiện Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 19/11/2011 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình MTQG giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:

1. Sự cần thiết:

- Thủ đô Hà Nội hiện có dân số trên 6,9 triệu người, số người trong độ tuổi lao động: 4,3 triệu, gần 3,5 triệu người tham gia hoạt động kinh tế, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp phát triển, thu hút các ngành nghề sản xuất ở khu vực doanh nghiệp, làng nghề thủ công truyền thống, trang trại... đã tạo ra cầu lao động phong phú, việc làm đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu tạo việc làm của người lao động. Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường Đại học, Cao đẳng, các Viện, Trung tâm nghiên cứu lớn của cả nước, bên cạnh đó chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã huy động, khai thác tiềm năng to lớn của xã hội đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

2. Căn cứ xây dựng kế hoạch:

- Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 19/11/2011 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

- Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình MTQG giai đoạn 2012-2015.

- Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015.

- Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

- Quyết định số 826/QĐ-BLĐTBXH ngày 07/7/2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

- Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 26/12/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011­-2015.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, CHỈ TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là ở khu vực nông thôn giai đoạn 2013- 2015.

- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2015, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp: 21%.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Hỗ trợ phát triển 19 nghề trọng điểm ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, (Trước mắt tập trung hoàn thành 04 nghề gồm 02 nghề quốc tế của trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội: Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp; 01 nghề khu vực của trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội: Điện công nghiệp; 01 nghề khu vực của trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính Hà Nội: Công nghệ ô tô trong tổng số 19 nghề) góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2015.

- Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, nghiệp vụ cho 150 giáo viên dạy nghề ở nước ngoài.

- Đầu tư xây dựng 4 Trung tâm dạy nghề (trong đó ngân sách 02 Trung tâm, kêu gọi xã hội hóa 02 trung tâm, nhà nước hỗ trợ tiền GPMB) thuộc các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai.

- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho khoảng 100.000 người.

- Tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm, các Trung tâm GTVL giải quyết việc làm cho trên 30% số lao động được tạo việc làm hàng năm.

- Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho 1.200 lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách người có công với cách mạng, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số và lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, sinh sống tại địa phương trong độ tuổi lao động, đủ điều kiện và có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Hỗ trợ tạo việc làm cho 78.800 lao động thông qua các dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN:

1. Đối tượng thực hiện chương trình: Các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị được giao vốn, kinh phí để thực hiện các dự án của Chương trình.

[...]