Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1570/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 1570/KH-UBND
Ngày ban hành 02/05/2024
Ngày có hiệu lực 02/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Minh Hùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1570/KH-UBND

Hải Dương, ngày 02 tháng 05 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2024

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bùng phát và chủ động ứng phó với các loại dịch bệnh truyền nhiễm; giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tiếp tục giữ vững thành quả loại trừ sốt rét; duy trì tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét ở mức dưới 0,5/100.000 dân; 100% các trường hợp sốt rét đều được điều tra, giám sát và điều trị kịp thời; không có trường hợp tử vong do sốt rét gây ra.

- Giảm 10% tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết/100.000 dân so với năm 2023; phấn đấu không có trường hợp tử vong; tỷ lệ ca lâm sàng được xét nghiệm định tuýp vi rút đạt khoảng 3%; 100% các ổ dịch được giám sát các chỉ số véc tơ hoặc duy trì giám sát véc tơ thường xuyên đạt tối thiểu 110 điểm trên địa bàn toàn tỉnh.

- Kiểm soát tỷ lệ mắc bệnh sởi/rubella ≤ 5/100.000 dân. Đạt chỉ tiêu điều tra lấy mẫu giám sát 95 trường hợp sốt phát ban dạng sởi theo đúng quy định. Kiểm soát tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng < 100/100.000 dân, không để xảy ra trường hợp tử vong.

- Nâng cao năng lực dự báo tình hình dịch, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh, dịch đang có diễn biến phức tạp, có khả năng xâm nhập vào các địa phương trong tỉnh, như: Cúm A (H7N9, H5N1, H5N6, H9N2), bệnh dại, ho gà, bạch hầu, đậu mùa khỉ,… đảm bảo 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để bùng phát trong cộng đồng, cơ sở y tế.

- 100% các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng khác và các bệnh thủy đậu, tả, viêm não Nhật bản B, đau mắt đỏ,… được phát hiện và xử trí kịp thời.

- 100% cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế để tiếp nhận chăm sóc, điều trị cho người bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật. 100% cán bộ y tế làm việc tại các khoa/phòng tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh truyền nhiễm được đào tạo liên tục về kiểm soát nhiễm khuẩn, dự phòng, chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm.

- 100% các cơ sở y tế dự phòng được trang bị các trang thiết bị, hóa chất, vật tư phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

- 100% cán bộ tham gia Đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các sự kiện y tế công cộng các tuyến được đào tạo, tập huấn về chuyên môn kỹ thuật. 100% các cán bộ thực hiện xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét tại các đơn vị y tế dự phòng được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

- 100% các Trung tâm Y tế tuyến huyện và trên 80% các Trạm Y tế tuyến xã được giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật theo đúng quy định. 100% cơ sở y tế thực hiện báo cáo ca bệnh truyền nhiễm trên hệ thống khai báo dịch bệnh truyền nhiễm.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành

- Tiếp tục phổ biến, quán triệt triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm với nguyên tắc: 1) Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; 2) Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; 3) Lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; 4) Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch; 5) Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

- Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; sơ cấp cứu, khám chữa bệnh; quản lý sức khoẻ cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khoẻ Nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

- Kịp thời kiện toàn và nâng cao năng lực của các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người cấp huyện, cấp xã để nâng cao chất lượng, hiệu quả, chủ động triển khai ứng phó với dịch bệnh tại địa phương. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp.

- Lãnh đạo các địa phương theo phân cấp quản lý và các quy định hiện hành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp với ngành y tế kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh có khả năng lây lan nhanh, khó kiểm soát, như: sốt xuất huyết, sởi/rubella, đau mắt đỏ,…Tổ chức ra quân đồng loạt nhiều chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun khử khuẩn tại cộng đồng; tổng vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải tại các khu dân cư, khu vực công cộng, các tuyến đường; đồng thời, kiểm tra xử lý nghiêm hành vi đổ rác thải, phế thải không đúng nơi quy định. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến. Bố trí kinh phí mua hóa chất cho các Trạm Y tế tuyến xã để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương.

- Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế tuyến huyện theo đúng quy định hiện hành.

- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở; có chính sách đào tạo phối hợp linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Khẩn trương tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở. Kịp thời thanh toán các chi phí có liên quan cho người tham gia các hoạt động phòng, chống dịch theo đúng quy định hiện hành.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, như: 1) Vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; 2) Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ở dịch phát sinh ở động vật và công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người; tuyên truyền các biện pháp phòng tránh bệnh truyền lây qua thực phẩm có nguồn gốc động vật không an toàn sang người.

2. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện, nâng cao sức khoẻ toàn dân.

- Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe, thực hành lối sống lành mạnh, duy trì thực hiện thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn) thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi cá nhân và hoạt động vệ sinh môi trường thành nề nếp trong sinh hoạt cộng đồng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh.

- Truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về tiêm chủng mở rộng và lợi ích của tiêm chủng trong phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin phòng bệnh; khuyến khích, vận động người dân chủ động tham gia tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

[...]