Kế hoạch 157/KH-UBND năm 2023 về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn năm 2024

Số hiệu 157/KH-UBND
Ngày ban hành 19/07/2023
Ngày có hiệu lực 19/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 157/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 19 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2024

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Công văn số 4456/BKHĐT-TH ngày 13/6/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ ƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

1. Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Phát huy kết quả đã đạt được của năm 2022, khắc phục những khó khăn, hạn chế, với quyết tâm bứt phá, thực hiện đạt và vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023; tổ chức Hội nghị trực tuyến với cấp huyện, cấp xã để quán triệt, triển khai mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023. Ban hành đầy đủ, kịp thời kế hoạch thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trình HĐND tỉnh thông qua các Nghị quyết để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phương thức điều hành có nhiều đổi mới, UBND tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức kiểm tra tình hình triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 tại các huyện, thành phố. Thành lập Tổ công tác đặc biệt, các Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, triển khai nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực. Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ về cải cách hành chính; các cấp, các ngành tích cực nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; cán bộ, công chức phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới, kịp thời trong thực hiện nhiệm vụ.

2. Việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội theo các Chương trình của Chính phủ: Chương trình phòng, chống COVID-19; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên UBND tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm các giải pháp thực hiện Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian 02 năm (2022 - 2023), thực hiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh, thích ứng tốt với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh gắn với bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin được duy trì ở mức cao. Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo, điều hành và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, kịp thời triển khai hiệu quả Chương trình; giao trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực để tổ chức triển khai; các chính sách thuộc Chương trình phục hồi cơ bản được triển khai đến người dân, cộng đồng doanh nghiệp; các công trình, dự án nâng cấp 03 Trung tâm Y tế tuyến huyện và 50 Trạm y tế tuyến xã đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư và tổ chức khởi công; Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án Nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B. Dịch bệnh được kiểm soát, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai tích cực đã tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng khá so với cùng kỳ; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng.

3. Về phát triển kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 5,32% so với cùng kỳ, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,93%, dịch vụ tăng 5,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,63%.

3.1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Sản xuất nông, lâm nghiệp cơ bản đạt kế hoạch, cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích gieo trồng 48.232 ha, đạt 98,4% kế hoạch, bằng 99,6% cùng kỳ. Nguồn giống, vật tư cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất của Nhân dân; công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm kiểm soát, các đối tượng dịch hại có mật độ, tỷ lệ gây hại thấp, phân bố trên diện hẹp, không phát sinh thành dịch. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn vật nuôi. Tổng diện tích trồng rừng mới đạt 6.500 ha, đạt 72% kế hoạch, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%. Tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đánh giá phân hạng 07 sản phẩm OCOP đạt 03 sao, lũy kế có 87 sản phẩm OCOP được xếp hạng; cấp 01 giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng, nâng tổng diện tích cây trồng được cấp mã số là 1.068,3 ha với 189 mã vùng trồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được kết quả tích cực.

3.2. Phát triển kinh tế cửa khẩu

Phát triển kinh tế cửa khẩu được được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Từ ngày 08/01/2023, Trung Quốc thay đổi chính sách phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động xuất nhập khẩu trở nên thuận lợi. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 2.285 triệu USD, đạt 60,1% kế hoạch, tăng 101,1% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 1.280 triệu USD, đạt 98,5% kế hoạch, tăng 322,4%, nhập khẩu 1.005 triệu USD, đạt 40,2% kế hoạch, tăng 20,6%. Hàng địa phương xuất khẩu 70 triệu USD, đạt 45,45% kế hoạch, tăng 20,69%.

3.3. Sản xuất công nghiệp; thương mại, dịch vụ và du lịch

Sản xuất công nghiệp trong các tháng đầu năm cơ bản ổn định và tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 5,79% so với cùng kỳ. Ban hành Kế hoạch triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn. Đến nay đã có 05 cụm công nghiệp được thành lập, quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn được nhà đầu tư, đủ điều kiện để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư 04 cụm công nghiệp, thẩm định hồ sơ thành lập 02 cụm công nghiệp. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào vận hành các dự án thủy điện Bản Nhùng, Bản Lải.

Hoạt động thương mại diễn ra sôi động, khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 14.245 tỷ đồng, đạt 52,97% kế hoạch, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động tại các ngân hàng đến 30/6/2023 đạt 40.729 tỷ đồng, tăng 9,75% so với 31/12/2022; dư nợ tín dụng 40.400 tỷ đồng, tăng 2,5%. Doanh thu vận tải 1.018,2 tỷ đồng, tăng 9,13% so với cùng kỳ; doanh thu bưu chính 105 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch; doanh thu viễn thông 650 tỷ đồng, đạt 68,42% kế hoạch.

Các hoạt động xúc tiến du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch của tỉnh được đẩy mạnh thông qua các chương trình thúc đẩy, kích cầu du lịch; lượng khách và doanh thu du lịch tăng cao, thu hút 2.820,9 nghìn lượt khách, đạt 75,03% kế hoạch, tăng 26,73% so với cùng kỳ; doanh thu 2.161,9 tỷ đồng, đạt 75,86% kế hoạch, tăng 145,39% so với cùng kỳ. Tập trung chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.

3.4. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và công tác quy hoạch

Công tác quản lý các dự án đầu tư công được tập trung thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 3.891,923 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách địa phương 1.250,038 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 2.641,885 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện các dự án 1.351,3 tỷ đồng, đạt 34,7% kế hoạch, Kết quả giải ngân đến hết ngày 30/6/2023 là 1.158,8 tỷ đồng, đạt 29,8% tổng kế hoạch giao, đạt 36,3% kế hoạch đã giao chi tiết, so cùng kỳ năm 2022 tỷ lệ giải ngân tăng về số tuyệt đối là 510 tỷ đồng (tăng 79%), số tương đối tăng 3,8%. Xây dựng được trên 145,45 km mặt đường bê tông xi măng, cung ứng 10.726 tấn xi măng, mở mới nền đường 4,3 km; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 93,4%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80,2%.

Công tác lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục được triển khai; đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh trình Hội đồng thẩm định quy hoạch. Tiếp tục triển khai công tác lập các loại quy hoạch đô thị, xây dựng, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch không còn phù hợp để triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của các huyện, thành phố.

3.5. Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh tăng 21 bậc so với năm 2021, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước; xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022. Đăng ký thành lập mới 258 doanh nghiệp, đạt 51,6% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký 1.530 tỷ đồng, giảm 54%. Lũy kế toàn tỉnh có 3.896 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 40.525 tỷ đồng. Thành lập mới 18 hợp tác xã, đạt 45% kế hoạch, tổng vốn đăng ký 34 tỷ đồng, hiện toàn tỉnh có 472 hợp tác xã, tổng vốn đăng ký 1.063,2 tỷ đồng, 02 liên hiệp hợp tác xã.

Thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Tổ trưởng để chỉ đạo tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ban hành Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đã cấp mới chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 07 dự án, tổng vốn đầu tư 2.027 tỷ đồng; điều chỉnh 21 dự án, số vốn tăng thêm 53,53 tỷ đồng; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 01 dự án. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn với tổng vốn đầu tư 6.361,328 tỷ đồng.

3.6. Quản lý, điều hành ngân sách nhà nước

[...]