Kế hoạch 248/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022-2030

Số hiệu 248/KH-UBND
Ngày ban hành 11/07/2022
Ngày có hiệu lực 11/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 248/KH-UBND

Lào Cai, ngày 11 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM THỦY SẢN TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2022-2030

Căn cứ Quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030". UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022-2030 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các nội dung của Đề án "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2022-2030" của Bộ Nông nghiệp và PTNT phù hợp với tình hình thực tế tỉnh Lào Cai.

- Tập trung nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản trên thị trường, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả sản xuất; tăng cường liên kết với doanh nghiệp để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm sản quy mô phù hợp gắn với mở rộng vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, tích cực triển khai Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá tiến độ đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của đề án.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo ra các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với các tiêu chuẩn tiên tiến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- 100% sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo các quy trình đảm bảo ATTP tiên tiến; được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng và có hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi, cấp mới 80 Giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 100% sản phẩm chuỗi được quản lý bằng phần mềm Hệ thống thông tin quản lý chuỗi nông sản an toàn được xác nhận. Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt hoặc tương đương (VietGAP, Global GAP, hữu cơ...) tăng 10%/năm.

- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm. 100% các chương trình, dự án, mô hình sản xuất, kinh doanh NLTS khi triển khai tuân thủ quy trình đảm bảo chất lượng và ATTP. 100% các cơ sở, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh NLTS được kiểm tra, thanh tra định kỳ theo quy định về chất lượng và ATTP. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm.

- Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm. 100% các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn cán bộ làm công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp của UBND tỉnh; 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Mục tiêu giai đoạn 2026-2030

- 100% các địa phương hình thành các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm tiềm năng của địa phương đảm bảo ATTP. Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt hoặc tương đương (VietGAP, Global GAP, hữu cơ...) tăng 15%/năm. Duy trì 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; 100% các chương trình, dự án, mô hình sản xuất, kinh doanh NLTS khi triển khai tuân thủ quy trình đảm bảo chất lượng và ATTP. 100% các cơ sở, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh NLTS được thanh tra định kỳ theo quy định về chất lượng và ATTP. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm.

- Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 15%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm. Duy trì 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung có chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản, hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản.

Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tập trung, quy mô lớn. Đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến (như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn..); số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản. Phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực ước đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 2,6 lần (tăng 4.000 tỷ đồng) so với năm 2020, chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; đến năm 2030 giá trị đạt trên 10.400 tỷ đồng, tăng 1,6 lần (tăng 3.700 tỷ đồng) so với năm 2025, chiếm khoảng 65% tổng giá trị, cụ thể:

(1) Sản phẩm chè: Đến năm 2025, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 8.424 ha, năm 2030 diện tích đạt khoảng 10.000 ha, sản lượng trên 93.000 tấn, giá trị 1.100 tỷ đồng. Đẩy mạnh áp dụng quy trình kỹ thuật, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng như: VietGAP, hữu cơ hoặc tương đương theo nhu cầu thị trường; quản lý giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo quy định. Đến năm 2025, thu hút đầu tư thêm 03 cơ sở, doanh nghiệp/hợp tác xã với tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến đạt trên 94.000 tấn/năm; đồng thời nâng công suất dây chuyền chế biến hiện có của các cơ sở, tăng tỷ lệ sử dụng máy móc vào chế biến chè đạt trên 90%. Thu hút đầu tư 01 dây truyền chế biến các sản phẩm cao cấp từ chè, như: Nước giải khát đóng chai chè xanh, chè xanh hòa tan, tinh dầu chiết xuất từ chè xanh...; đa dạng mẫu mã sản phẩm, nâng giá trị sản phẩm/đơn vị canh tác từ 20 - 25% so với năm 2020; nâng tỷ lệ chế biến chè xanh từ 15% lên 30 - 40%.

(2) Sản phẩm chuối: Đến năm 2025, phát triển ổn định vùng sản xuất chuối tập trung đạt 3.500 ha; năm 2030 diện tích đạt 5.000 ha, sản lượng 110.000 tấn, giá trị trên 800 tỷ đồng. Đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng VietGAP hoặc tương đương, phấn đấu 100% diện tích chuối hàng hóa được cấp mã vùng trồng. Giai đoạn 2022 - 2025, tiếp tục thu hút ít nhất 01 doanh nghiệp, HTX đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm từ chuối. Mở rộng nhà máy chế biến rau quả để chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm; từng bước nâng tỷ lệ chuối qua chế biến như: sản phẩm chuối sấy dẻo, sấy theo công nghệ chiên giòn... nâng giá trị sản phẩm.

(3) Sản phẩm dứa: Đến năm 2025 diện tích dứa 2.500 ha, năm 2030 diện tích trên 3.000 ha, sản lượng trên 63.000 tấn, giá trị trên 500 tỷ đồng. Đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất theo hướng VietGAP hoặc tương đương, ứng dụng công nghệ cao, 100% diện tích dứa được cấp mã vùng trồng. Phấn đấu đến năm 2025, thu hút đầu tư thêm mới 01 dự án đầu tư cơ sở chế biến.

(4) Sản phẩm quế: Đến năm 2025 diện tích đạt 52.500 ha, đến năm 2030 diện tích đạt 66.000 ha, giá trị khoảng 1.800 tỷ đồng. Nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất giống tới khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hữu cơ; đến năm 2025 thu hút thêm 01 nhà máy chế biến sâu tinh dầu quế với công suất trên 500 tấn tinh dầu/năm; 02 nhà máy chế biến sâu vỏ quế, công suất trên 10.000 tấn.

[...]