Kế hoạch hành động 1539/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Số hiệu 1539/KH-UBND
Ngày ban hành 19/06/2023
Ngày có hiệu lực 19/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Nguyễn Bích Ngọc
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1539/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 19 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

Thực hiện Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

2. Bám sát các nội dung của Chiến lược và các nội dung đột phá về phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế cửa khẩu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, gắn với trách nhiệm thực hiện của từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan; đảm bảo việc tổ chức chỉ đạo điều hành và triển khai, thực hiện có hiệu quả, đồng bộ.

II. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG

1. Mục tiêu phát triển

1.1. Mục tiêu tổng quát

Thúc đẩy phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh ổn định và bền vững, phát huy tối đa lợi thế của tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa để đẩy mạnh, thu hút các hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm nông, lâm sản thích ứng với điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của tỉnh để hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; tập trung nâng cao chất lượng, hàm lượng chế biến, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm đã có thị trường xuất khẩu; chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu đối với hàng hóa có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh.

Thực thi hiệu quả các cam kết, khai thác tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường truyền thống.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh bình quân 8 - 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó: Giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 10%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm.

- Từng bước hình thành và tăng trưởng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trên cơ sở phát triển sản xuất nông, lâm sản hàng hóa và phát triển công nghiệp chế biến gắn với xuất khẩu, cụ thể:

+ Giai đoạn 2021 - 2025: Nhóm sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi). Thạch đen, chè, trúc sào, cây sắn, cây mía đường, xuất khẩu chiếm khoảng 39 - 40% tỷ trọng trên tổng hàng hóa xuất khẩu; nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến (bao gồm chế biến khoáng sản): Chì thỏi, chiếu trúc, tinh bột sắn, ván bóc, kén tằm, dầu sở, tinh dầu hồi, tinh dầu quế chiếm khoảng 54 - 55%; nhóm hàng khác chiếm khoảng 4-5%.

+ Giai đoạn 2026 - 2030: Tập trung nâng cao chất lượng, thương hiệu của các sản phẩm nông, lâm nghiệp (thạch đen, chè, gừng, cây sắn, gỗ, trúc sào, cây mía đường, mác ca, bò Mông, bò Sữa, lợn đen, lợn Táp Ná) đây là nhóm sản phẩm chủ đạo chiếm khoảng 54-55% tỷ trọng hàng xuất khẩu của tỉnh; giảm tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản qua chế biến (chì thỏi,..), tăng tỷ trọng của nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản (chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, chiếu trúc, miến dong, phở khô, tinh bột sắn, sữa, ván bóc, kén tằm, dầu sở, tinh dầu hồi, tinh dầu quế...) khoảng 38-39% tỷ trọng mặt hàng xuất khẩu; nhóm hàng khác chiếm khoảng 5-6%.

2. Định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa

2.1. Định hướng xuất khẩu hàng hóa

2.1.1. Định hướng thị trường xuất khẩu

- Phát huy tối đa lợi thế để duy trì, đẩy mạnh hợp tác với thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc thông qua việc thực hiện các giải pháp nhằm phát huy lợi thế trên 333 km đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vào thị trường Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEA trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản xuất khẩu, phát triển nền sản xuất hàng hóa đáp ứng thị hiếu, nhu cầu và theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu một cách ổn định, lâu dài.

- Thị trường xuất khẩu tại chỗ: Trên cơ sở phát triển du lịch địa phương, thu hút khách du lịch nước ngoài, nâng cao chất lượng cung ứng hàng hóa cho nhu cầu của các đối tác và khách nước ngoài, trong đó chủ yếu là nhu cầu thực phẩm, đồ uống, hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ tại các khu, điểm du lịch của tỉnh.

- Thị trường truyền thống Trung Quốc: Tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng của tỉnh Cao Bằng với nhu cầu tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản, khoáng sản, linh kiện điện tử... của Việt Nam và các nước ASEAN. Trong giai đoạn tới sẽ tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cụ thể là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và dần dần mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc.

- Thị trường Đông Bắc Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan: Tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định song phương và đa phương để đẩy mạnh hợp tác sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh: Chiếu trúc, ván ép, chè, miến dong, bột thạch đen...

- Thị trường Tây Á và Nam Á: Nghiên cứu, xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, Pakistan một số mặt hàng như: Chiếu trúc, gừng, bột thạch đen, hoa hồi, quế...

- Thị trường Châu Âu, như: Anh, Pháp, Italia, Đức và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu: Nghiên cứu, phát triển thị trường, xúc tiến hợp tác thương mại để xuất khẩu tinh dầu hồi, quế, phục vụ sản xuất mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm và phục vụ tiêu dùng như: Bột thạch đen, miến dong, bún khô, trúc sào...

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng cũng như khai thác hiệu quả các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại với các nước ASEAN, chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

2.1.2. Định hướng mặt hàng xuất khẩu

[...]