Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2022 về thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022

Số hiệu 153/KH-UBND
Ngày ban hành 05/05/2022
Ngày có hiệu lực 05/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 05 tháng 05 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ, THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC, CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ BỆNH VIỆN, CƠ SỞ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2022

Căn cứ các văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (Phụ lục I kèm theo), Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022 như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu tổng quát

- Thúc đẩy các cơ sở giáo dục phổ thông, dạy nghề, các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng công nghệ số, nền tảng số, triển khai chuyển đổi số, thanh toán số, tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán của người dân, từng bước hình thành thế hệ công dân số.

- Bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán, góp phần vào công khai minh bạch trong quản lý nhà nước.

2. Mục tiêu cụ thể

- 50% trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh sử dụng nền tảng số.

- 50% trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, trong đó các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đạt 100%.

- 100% bệnh viện, cơ sở y tế tuyến tỉnh, Trung tâm y tế huyện, thành phố và 20% trạm y tế xã, phường, thị trấn lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí, dịch vụ y tế.

- Phấn đấu ít nhất 50% số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, các bệnh viện, cơ sở y tế có áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

3. Yêu cầu

- Khi lựa chọn giải pháp chuyển đổi số, ngoài việc bảo đảm các yêu cầu chuyên môn, cần chú trọng đảm bảo điều kiện về tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các ngành, các cấp khi có yêu cầu và bảo đảm an toàn thông tin; phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0 được ban hành theo Quyết định số 2000/QĐ-UBND-HC ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân Tỉnh và Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp.

- Khi lựa chọn các doanh nghiệp trung gian triển khai thanh toán điện tử cần bảo đảm quyền lợi của người dùng về phí, lệ phí thanh toán, hạn chế tối đa phải phát sinh chi phí khi thực hiện thanh toán điện tử so với thanh toán tiền mặt, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân người dùng và các giao dịch thanh toán.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục

a) Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học, cơ sở giáo dục

- Ưu tiên lựa chọn nền tảng số do doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển để phổ biến rộng rãi thông tin cho người dân biết.

- Ứng dụng công nghệ số, nền tảng số đã lựa chọn vào công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Triển khai áp dụng nền tảng dạy, học trực tuyến, kết nối, phục vụ trực tuyến toàn trình cho công tác giảng dạy - học tập - thi, từ đó, hình thành hệ sinh thái phát triển giáo dục số, bảo đảm chất lượng cho việc tổ chức thi trực tuyến.

- 100% các trường học, cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học trực tuyến, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình; ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.

- Đẩy mạnh áp dụng các nền tảng số quản trị nhà trường, cơ sở giáo dục dựa trên dữ liệu số và công nghệ số, trong đó người học, giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động và các hoạt động đều được quản lý bằng hồ sơ số thống nhất. Tăng cường kết nối liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh qua các ứng dụng, nền tảng số.

b) Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục

- Hướng dẫn, hỗ trợ các trường học, cơ sở giáo dục phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- Sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tối thiểu 3 trong 4 phương thức sau: mã vuông QR (Chuyển khoản/Thanh toán), qua website (Chuyển khoản/Thanh toán), Mobile Money và thẻ (POS); tích hợp module thanh toán trong phần mềm quản lý trường học, cơ sở giáo dục.

- Đa dạng các kênh thanh toán, tận dụng các kênh thanh toán hiện có của người dùng. Hạn chế tối đa người dùng phải tạo mới phương tiện thanh toán khác với phương tiện thanh toán điện tử đang sử dụng để phục vụ cho thanh toán học phí; phải bảo đảm quyền lợi người sử dụng về phí, lệ phí thanh toán.

- Triển khai áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử trong thanh toán học phí theo hướng có lợi cho người dùng; có chính sách ưu đãi phí, lệ phí thanh toán cho học sinh, sinh viên, học viên thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định.

2. Hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các bệnh viện, cơ sở y tế

[...]