Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2019 về thực hiện chương trình quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020 của tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 153/KH-UBND
Ngày ban hành 06/09/2019
Ngày có hiệu lực 06/09/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 153/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 06 tháng 9 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 718/QĐ-BYT ngày 29/01/2018 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020 của tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là Kế hoạch), với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em về cân nặng và chiều cao, đặc biệt là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em, kiểm soát thừa cân béo phì, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm nguy cơ bệnh tật, góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng, nhằm tăng cường sức khỏe cho Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác dinh dưỡng tại Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong hình hình mới; đưa các mục tiêu về dinh dưỡng vào Nghị quyết của Đảng, Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm vụ chương trình của các ngành liên quan cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tập trung các giải pháp trong việc triển khai các hoạt động về dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời; phòng, chống bệnh không lây nhiễm, thừa cân béo phì và dinh dưỡng đối với các nhóm có nguy cơ cao; lồng ghép với các chương trình, dự án khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Huy động các nguồn kinh phí của Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đảm bảo triển khai các hoạt động về dinh dưỡng theo Kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em về cả về cân nặng và chiều cao, kiểm soát thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng, góp phần vào nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu quốc gia là giảm suy dinh dưỡng bền vững, đóng góp vào chỉ tiêu chung và chỉ tiêu phát triển con người.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu 1: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em

- Trên 90% phụ nữ mang thai được tư vấn dinh dưỡng bao gồm các thông tin: Chế độ dinh dưỡng hợp lý khi mang thai, chế độ nghỉ ngơi, bổ sung viên sắt, viên đa vi chất phòng chống thiếu máu thiếu sắt.

- Trên 60% bà mẹ có con dưới 2 tuổi được tham gia các lớp, buổi thực hành dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Trên 60% bà mẹ có con < 5 tuổi được cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc trẻ.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 26%;

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống còn dưới 18% vào năm 2020.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 5%.

- Giảm tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu năng lượng trường diễn xuống dưới 12%.

- Giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2500 gam) xuống dưới 8%;

- Tăng tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 35%.

2.2. Mục tiêu 2: Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

- Trên 95% trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi được uống Vitamin A 2 lần/năm; trên 95% trẻ em trong độ tuổi được tẩy giun 2 lần/năm.

- Trên 90% bà mẹ sau sinh trong vòng tháng đầu được uống bổ sung Vitamin A liều cao.

- Trên 90% phụ nữ mang thai được uống viên sắt, acid folic ít nhất 3 tháng trong thời kỳ mang thai.

- Trên 90% hộ gia đình dùng muối I ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh, mức trung vị I ốt niệu của bà mẹ có con dưới 5 tuổi đạt từ 10 - 20 µg/dcl. Giảm tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 12 tuổi dưới 5% vào năm 2020.

[...]