Kế hoạch 1503/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình hành động 06/CTr-TU về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 1503/KH-UBND
Ngày ban hành 13/09/2016
Ngày có hiệu lực 13/09/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN 
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1503/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 13 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 06-CTR/TU NGÀY 13/7/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Chương trình hành động số 06/CTr-TU ngày 13/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06/CTr-TU ngày 13/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; huy động mọi nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy các giá trị tài nguyên phát triển du lịch mang tính bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển của du lịch Việt Nam và thực tiễn tại Quảng Bình để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

2. Yêu cầu

- Huy động tối đa mọi nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội tham gia phát triển du lịch; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và hoàn thành các mục tiêu đặt ra tại Chương trình hành động; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh một cách bền vững, đưa du lịch Quảng Bình là trung tâm du lịch của Việt Nam và là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á.

- Các chương trình, đề án, giải pháp thực hiện phải bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, tạo ra bước phát triển đột phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt được các mục tiêu được đặt ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đưa tỷ trọng du lịch đóng góp ngày càng cao trong cơ cấu tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP); tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu cho ngân sách; thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế đặc biệt là các ngành dịch vụ.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2016 - 2020 đạt 12% - 15%/năm.

Năm 2020, Quảng Bình đón 5,5 triệu lượt khách, trong đó có 5,2 triệu lượt khách nội địa và 300 ngàn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt 7000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 600 tỷ đồng; có 350 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 12.000 buồng, trong đó có ít nhất 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên; có 50 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Ngành du lịch chiếm 12%, đưa ngành dịch vụ - du lịch chiếm tỷ lệ 52% trong tổng cơ cấu tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP). Thời gian lưu trú bình quân đạt 2,0 ngày/lượt khách.

Năm 2016 ngành du lịch giải quyết việc làm cho 17.000 lao động, trong đó có 7.000 lao động trực tiếp du lịch. Năm 2020 giải quyết việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có 15.000 lao động trực tiếp du lịch, trong đó có 90% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được qua đào tạo và có chứng chỉ nghề.

Mỗi địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 01 sản phẩm du lịch đặc trưng, 05 loại hình dịch vụ du lịch và sản phẩm hàng lưu niệm nổi bật có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch.

Đến năm 2020, Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch

- Triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.

- Thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú đa dạng như truyền hình, báo chí, các clip giới thiệu, ấn phẩm, truyền thanh...; triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của Quảng Bình để người dân tự hào và đồng hành cùng chính quyền địa phương, vận động đội ngũ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng phong trào ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tạo môi trường du lịch xanh, sạch, thân thiện, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, kiến thức đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; các khóa tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm; bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát động phong trào phòng chống tội phạm, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo Quốc gia... cho các chủ doanh nghiệp du lịch, người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như cộng đồng dân cư tại địa phương.

- Thực hiện Chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức và bồi dưỡng năng lực bảo tồn và quảng bá sản phẩm du lịch của cộng đồng nơi có sản phẩm du lịch với nhiều hình thức tuyên truyền với nội dung phong phú, các khóa tập huấn du lịch trách nhiệm cho cộng đồng dân cư đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các khu du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm văn hóa tộc người.

2. Tăng cường công tác quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch

2.1. Công tác quy hoạch

- Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; thực hiện tốt công tác quản lý Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; phối hợp lập và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, điểm du lịch quốc gia TP. Đồng Hới.

[...]