Kế hoạch số 15/KH-UBND về việc bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2009 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 15/KH-UBND
Ngày ban hành 09/10/2008
Ngày có hiệu lực 09/10/2008
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Đào Văn Bình
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 15/KH-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2008

 

KẾ HOẠCH

BẢO HỘ LAO ĐỘNG, AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2009

Năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, bám sát mục tiêu Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động, được Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện công tác bảo hộ lao động trên địa bàn thành phố đạt kết quả tốt, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động và Kế hoạch Bảo hộ lao động năm 2008 của Thành phố.

Thực hiện Quyết định số 233/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010, theo định hướng công tác năm 2009 và hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại văn bản số 2481/LĐTBXH-KHTC ngày 12/7/2007 về lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động. UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2009 (sau đây viết tắt là Kế hoạch Bảo hộ lao động) thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Nâng cao năng lực quản lý công tác Bảo hộ lao động của các cấp, ngành, đoàn thể, của người sử dụng lao động và người lao động.

- Tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực Bảo hộ lao động từ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện ở cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

2. Yêu cầu:

- Giảm số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chết người: Trung bình hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng, vận hành lưới điện; Vận hành, sử dụng các thiết bị chịu áp lực, thiết bị nâng).

- Giảm 10% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; Đảm bảo trên 80% số người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp.

- Đảm bảo trên 80% người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cán bộ an toàn, vệ sinh lao động được tập huấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động.

- Đảm bảo 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG:

1. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về Bảo hộ lao động, bao gồm các hoạt động sau:

a. Đẩy mạnh công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động ở các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố.

b. Trang cấp thêm máy móc, thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và công tác tuyên truyền, huấn luyện về Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động;

2. Các hoạt động tăng cường công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp:

a. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo về nguy cơ và tác hại của bệnh nghề nghiệp;

b. Tăng cường trang cấp thiết bị, máy móc kỹ thuật để nâng cao năng lực chẩn đoán, khám phát hiện, giám định bệnh nghề nghiệp cho y tế tuyến quận, huyện;

3. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động, ưu tiên nhóm đối tượng (doanh nghiệp, người lao động) hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;

4. Bố trí kinh phí và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các kế hoạch năm 2009 của Thành phố: Kế hoạch Tuần lễ Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; Kế hoạch Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; Kế hoạch Phòng chống tai nạn thương tích;

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN:

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Là cơ quan Thường trực của Thành phố, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch Bảo hộ lao động năm 2009; Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cấp, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp thực hiện; Tổng hợp kết quả báo cáo UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo Trung ương.

- Xây dựng Kế hoạch tổ chức Tuần lễ Quốc gia về An toàn – Vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ (AT – VSLĐ – PCCN) lần thứ 11 năm 2009, trình UBND Thành phố ban hành, bố trí kinh phí ngân sách Thành phố để thực hiện.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch Phòng chống tai nạn thương tích trong lao động năm 2009 trên địa bàn Thành phố, bằng kinh phí ngân sách Thành phố cấp.

- Chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với các cấp, ngành, đoàn thể, tổng công ty và doanh nghiệp thuộc Thành phố.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ