Kế hoạch 149/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 149/KH-UBND
Ngày ban hành 23/06/2022
Ngày có hiệu lực 23/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Cao Tiến Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 23 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 48/NQ-CP NGÀY 05/4/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Ngày 05/4/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025. Ngày 24/9/2011 Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1702/TTg-KTN về việc tăng cường chỉ đạo các giải pháp trọng tâm bảo đảm an toàn giao thông.

Để thực hiện nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ và nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân. Phấn đấu kiềm chế và kéo giảm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô các loại và xe mô tô, xe gắn máy.

2. Kiềm chế sự gia tăng tai nạn giao thông, làm giảm số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2022; Từ năm 2023-2025 giảm từ 5 đến 10 % các vụ tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước.

3. Tiếp tục thực hiện các giải pháp xử lý và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao trọng yếu; xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

4. Xây dựng trung tâm điều hành, theo dõi tình hình trật tự an toàn giao thông tại các vị trí nút giao thông trọng điểm, có tình hình giao thông phức tạp để từ đó có giải pháp xử lý hiệu quả.

II. YÊU CẦU

1. Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ tỉnh đến thành phố, huyện, thị trấn, xã, phường ngay từ quý đầu và cả năm.

2. Các ngành, thành viên Ban ATGT tỉnh và các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, từng nhiệm vụ, từng hoạt động phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại mỗi đơn vị, địa phương, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh hình thức.

3. Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.

4. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trước hết chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải; sát hạch lái xe; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

III. NỘI DUNG GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025; triển khai hiệu quả, quyết liệt và đồng bộ các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự giao thông, trật tự đô thị gn với chủ đề Năm ATGT 2022: “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”; chú trọng xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện với môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phát động phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”.

3. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cũng như xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống báo hiệu giao thông theo quy chuẩn mới; khắc phục kịp thời “điểm đen” tai nạn giao thông.

4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải; Đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chi phí và chất lượng các hoạt động đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông

5. Đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật giao thông. Tập trung xử lý các vi phạm về hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm ATGT của kết cấu hạ tầng giao thông; hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT.

6. Từng bước triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông; quản lý hoạt động vận tải; sát hạch lái xe; hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

7. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực, chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và TNGT.

8. Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện,... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Ban An toàn giao thông tỉnh

a) Xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền an toàn giao thông theo chủ đề của mỗi năm, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các địa phương trong công tác tuyên truyền về pháp luật ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa một cách thiết thực, hiệu quả. Kiểm tra đánh giá về hình thức, nội dung, tổ chức trong công tác tuyên truyền để bổ sung kịp thời các giải pháp làm cho công tác tuyên truyền ngày càng hiệu quả hơn.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa phương, đặc biệt đối với các địa phương có tình hình giao thông phức tạp, TNGT tăng so với cùng kỳ năm trước; kiểm tra hoạt động hệ thống giám sát tải trọng phương tiện tại các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; kiểm tra hoạt động của hệ thống camera giám sát giao thông tại các nút giao thông trọng yếu đã được đầu tư, xây dựng.

b) Phối hợp các ban, ngành thành viên Ban, UBND các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nội dung, kế hoạch hưởng ứng “Thập kỷ về an toàn giao thông đường b” do Liên hiệp quốc phát động, các tiêu chí về “văn hóa giao thông” phù hợp với các đối tượng cần tuyên truyền, giáo dục. Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông, vận động cán bộ, công chức và nhân dân thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”, “văn hóa giao thông vì bình yên sông nước”, ứng xử có văn hóa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATGT, nhiệm vụ giữ gìn trật tự ATGT, khi tham gia giao thông.

[...]