Kế hoạch 149/KH-UBND năm 2016 về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 149/KH-UBND
Ngày ban hành 20/12/2016
Ngày có hiệu lực 20/12/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 12 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

Thực hiện Kết luận số 98-KL/TU ngày 07/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ đối với giáo dục và đào tạo của tỉnh theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”. Phát triển các cơ sở giáo dục cân đối về cơ cấu và quy mô, đa dạng về hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của các tầng lớp nhân dân, hướng tới xây dựng xã hội học tập.

Tập trung quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường lớp một cách hợp lý; đảm bảo tốt các điều kiện dạy học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, góp phần đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi, giảm tỷ lệ học sinh yếu, kém; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng thực hành cho học sinh, sinh viên; đưa chất lượng giáo dục của tỉnh đạt mức trung bình khá của cả nước.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giáo dục Mầm non

- Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 40%; trẻ đi học mẫu giáo đạt 99%, trẻ 5 tuổi đi học đạt 99,9%, trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9%;

- Trên 98% xã, phường, thị trấn có trường mầm non trung tâm được xây dựng kiên cố theo quy hoạch. 95% trường mầm non có đủ phòng học, đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu; 100% trường học có nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước, có bếp ăn, đủ công trình vệ sinh đạt yêu cầu, có đủ sân chơi, đồ chơi ngoài trời; trên 15% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

- 100% cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 60% trở lên đạt trên chuẩn; 25% CBQL giỏi; trên 20% giáo viên giỏi.

2.2. Giáo dục Tiểu học

- Trên 99% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và hầu hết trẻ em khuyết tật được học hoà nhập.

- Trên 95% trường học có đủ phòng học; trên 35% trường học có phòng thư viện và khu giáo dục thể chất đạt chuẩn.

- 100% CBQL đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó trên 90% đạt trình độ trên chuẩn; trên 95% được bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ; trên 30% CBQL giỏi.

- Có 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó trên 90% đạt trình độ trên chuẩn; trên 50% giáo viên giỏi cấp trường trở lên.

- 35% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 04 trường đạt chuẩn mức độ 2.

2.3. Giáo dục Trung học cơ sở

- Trên 99,5% học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào học lớp 6; 95% thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS);

- Nâng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được vào học trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) lên 7,56%.

- 100% trường học có đủ phòng học, trang thiết bị dạy học; 35% trường học có phòng chức năng.

- Hầu hết giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp, 70% có trình độ trên chuẩn; 30% CBQL, giáo viên giỏi.

- 35% trường THCS đạt chuẩn quốc gia; mỗi huyện, thành phố có từ 01 đến 02 trường THCS trọng điểm, chất lượng cao.

2.4. Giáo dục Trung học phổ thông

- 80% thanh niên trong độ tuổi có trình độ trung học phổ thông (THPT) và tương đương.

- Có 95% số trường học có đủ phòng chức năng, trang thiết bị dạy học.

[...]