Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1489/KH-UBND năm 2010 ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2015

Số hiệu 1489/KH-UBND
Ngày ban hành 12/05/2010
Ngày có hiệu lực 12/05/2010
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Phạm Quang Thao
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1489/KH-UBND

Việt Trì, ngày 12 tháng 5 năm 2010

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (CNTT) TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2011-2015

Thực hiện Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị (khóaVIII) về đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước; Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Thông tư Liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTTTT ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước; Văn bản số 491/BTTTT- ƯDCNTT ngày 25 tháng 02 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 3549/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2006 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển CNTT tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

PHẦN THỨ NHẤT:

HIỆN TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

I. MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ TRONG LĨNH VỰC CNTT:

Xác định lĩnh vực thông tin và truyền thông là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Thọ. Do đó trong thời gian qua UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý Nhà nước theo từng giai đoạn cụ thể, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển, ứng dụng CNTT trên địa bàn toàn tỉnh, cụ thể như:

- Quy hoạch Tổng thể phát triển CNTT tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 4607/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2009 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc Đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

- Chỉ thị số 16/2009/CT-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ.

- Kế hoạch số 2188/KH-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2008 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2009-2010.

II. HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT:

- Tổng số máy tính trong các cơ quan quản lý Nhà nước ước đạt 1500 máy trạm và máy tính xách tay; trên 33 máy chủ, tỷ lệ số cán bộ có máy tính làm việc ước đạt 82,7%.

- Về mạng nội bộ (LAN): Tổng số 37 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, trong đó có 23 sở, ban, ngành; 10 UBND huyện, thành, thị có mạng LAN và kết nối Internet băng thông rộng ADSL, tỷ lệ đạt 89,2%; tỷ lệ số máy tính nối mạng đạt trên 70%.

- Hệ thống mạng diện rộng (WAN): Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) phục vụ cho các cơ quan Đảng và Nhà nước tại tỉnh Phú Thọ đã triển khai xong pha 1, hệ thống cáp quang đã được triển khai đến trụ sở các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị. Hiện nay, pha 2 của dự án đang tiếp tục được triển khai kết nối cáp quang đến các xã, phường, thị trấn, dự kiến hết quý II năm 2010 sẽ hoàn thành, khi đó mạng TSLCD sẽ được sử dụng làm mạng WAN phục vụ hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước tỉnh Phú Thọ.

- An toàn, an ninh cho hạ tầng CNTT: Để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hạ tầng CNTT trong các cơ quan quản lý Nhà nước, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, hệ thống mạng LAN tại các đơn vị, đều được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống bằng cả giải pháp phần cứng và phần mềm. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên các giải pháp bảo mật hệ thống mới chỉ được thực hiện ở mức cơ bản, khi hệ thống mạng WAN của tỉnh hình thành, hệ thống các mạng LAN tại các đơn vị được kết nối với nhau thì các giải pháp an toàn, an ninh cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp.

III. HIỆN TRẠNG ỨNG DỤNG CNTT TRONG NỘI BỘ CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC:

1. Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành:

a. Triển khai sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến:

Hệ thống hội nghị trực tuyến tỉnh Phú Thọ đã được triển khai xây dựng 3 địa điểm tại Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện Thanh Ba, UBND huyện Thanh Sơn. Đến nay hệ thống đã được bàn giao, nghiệm thu và sẵn sàng cho việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến của UBND tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có văn bản quy định việc quản lý, sử dụng hệ thống đảm bảo khai thác hệ thống hội nghị trực tuyến triệt để, hiệu quả nhằm tiết kiệm tối đa chi phí hành chính trong tổ chức các cuộc họp, hội nghị đồng thời góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính tỉnh Phú Thọ.

b. Triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành:

- Tính đến hết năm 2009, có 08 cơ quan, đơn vị triển khai sử dụng thí điểm phần mềm quản lý văn bản và điều hành do một số đơn vị phần mềm trong nước cung cấp, bao gồm: 04 sở (Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Lao động Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư) và 04 UBND huyện (Tam Nông; Lâm Thao; Thanh Ba; Thanh Thủy), các đơn vị đã sử dụng hệ thống để thực hiện một số chức năng như: quản lý văn bản đi đến; quản lý hồ sơ công việc, điều hành và phân công công việc giữa các bộ phận, phòng ban trong đơn vị qua mạng LAN; lập lịch công tác.

- Việc sử dụng phần mềm tại các đơn vị, bước đầu đã đạt được một số hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước tại đơn vị như: nâng cao ý thức của cán bộ công chức trong việc ứng dụng CNTT trong cơ quan quản lý Nhà nước; sử dụng phần mềm để quản lý văn bản và hồ sơ công việc, giúp cho cán bộ công chức có thể tra cứu và quản lý văn bản trên máy được nhanh chóng và thuận tiện; giao việc và điều hành công việc qua mạng theo luồng công việc giúp cho công tác quản lý và triển khai công việc được thực hiện một cách liên tục, tiết kiệm về thời gian, kinh phí hành chính.

- Riêng Văn phòng UBND tỉnh hiện vẫn đang vận hành, khai thác sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của Đề án 112 trước đây, phần mềm chạy tương đối ổn định nhưng mới chỉ đáp ứng được việc cập nhật và quản lý công văn.

c. Triển khai xây dựng hệ thống thư điện tử:

Trong năm 2009, UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt dự án xây dựng Hệ thống thư điện tử trong các cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ, giao Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư, hiện nay dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư cần thiết theo quy định của pháp luật và chuẩn bị triển khai thi công, lắp đặt hệ thống thư điện tử tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông.

2. Ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ:

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị đã sử dụng máy tính phục vụ công việc và sử dụng các phần mềm chuyên ngành vào công tác quản lý và điều hành nhưng ở các mức độ khác nhau.

[...]