Kế hoạch 148/KH-UBND năm 2018 về phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Số hiệu 148/KH-UBND
Ngày ban hành 21/11/2018
Ngày có hiệu lực 21/11/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Nguyễn Văn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN ĐẾN 2020, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số 6355/KH-BNN-KTHT ngày 17/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Kế hoạch “Phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020”;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch Phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020 tỉnh Hòa Bình, như sau:

I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG CÁC HTX NÔNG NGHIỆP

1. Tình hình ứng dụng công nghệ cao trong các Hợp tác xã nông nghiệp

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 194 hợp tác xã nông nghiệp, Số hợp tác xã đủ tiêu chuẩn xếp loại là 124 hợp tác xã (Trong đó có 15 hợp tác xã xếp loại tốt chiếm 12%; 50 hợp tác xã xếp loại khá chiếm 41%; 51 hợp tác xã xếp loại trung bình chiếm 42%; 08 hợp tác xã yếu kém, chiếm 5%). Hầu hết các hợp tác xã vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương thức cũ, chưa có nhiều biến chuyển trong việc áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 06 hợp tác xã nông nghiệp đang thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao: Hợp tác xã cây có múi và sản phẩm nông nghiệp an toàn xã Cao Dương, huyện Lương Sơn; hợp tác xã Chuối ViBa huyện Lương Sơn; hợp tác xã nông nghiệp linh dược phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình; hợp tác xã chăn nuôi gà huyện Lạc Thủy; hợp tác xã nông nghiệp và thương mại Mường Động huyện Kim Bôi; hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì, huyện Kim Bôi (có phụ biểu chi tiết kèm theo).

Ngoài ra còn có một số hợp tác xã áp dụng công nghệ tưới bán tự động, tưới nhỏ giọt trong sản xuất và việc cơ giới hóa trong quá trình làm đất đã được áp dụng phổ biến. Một số hợp tác xã hoạt động gắn với sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết theo chuỗi đã liên kết với các doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào từng khâu sản xuất, chế biến, đóng gói và giới thiệu sản phẩm. Trong đó có nhiều mô hình hợp tác xã liên kết với các siêu thị lớn để mở rộng tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được triển khai ở các địa phương, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới, biện pháp canh tác mới, đầu tư thâm canh, quản lý nguồn nước, dịch bệnh đã làm xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao, bước đầu đã hình thành các chuỗi sản xuất như: Chuỗi sản xuất cây dược liệu; Chuỗi sản xuất rau an toàn, rau sạch; Chuỗi sản xuất và tiêu thụ cây dưa chuột Nhật; Chuỗi sản xuất và tiêu thụ cây trà Sacha-inchi; Chuỗi sản xuất và tiêu thụ Nấm dược liệu, nấm ăn.... Tuy nhiên do diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân bố không tập trung; giao thông nội đồng chưa phát triển kịp với yêu cầu của sản xuất. Hầu hết các tuyến giao thông nội đồng chưa được bê tông hoá và tương đối hẹp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu vốn nên chưa có các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên quy mô lớn.

2. Đánh giá chung

a) Kết quả đạt được

- Nhận thức về hiệu quả và sự cần thiết áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển biến. Đến nay các huyện, thành phố đã quan tâm chỉ đạo và có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như Kim Bôi, Lương Sơn, thành phố Hòa Bình, Lạc Thủy...

- Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong các hợp tác xã cho thấy những kết quả, hiệu quả rõ rệt như: giảm được giá thành sản xuất, giảm rủi ro và sự lệ thuộc vào thời tiết; bảo đảm tốt hơn an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; sản phẩm nông nghiệp cho chất lượng cao và ổn định hơn, qua đó cho phép tăng thu nhập và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

b) Hạn chế và nguyên nhân

- Hạn chế:

+ Số lượng hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 06 hợp tác xã nông nghiệp đang xây dựng cơ sở sản xuất có ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

+ Quy mô ứng dụng công nghệ cao trong các hợp tác xã nông nghiệp còn nhỏ.

+ Công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất ở các hợp tác xã chủ yếu là kỹ thuật canh tác, tưới tiêu, bảo quản sản phẩm. Tỷ lệ hợp tác xã ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, tin học chưa có hoặc có nhưng quy mô nhỏ chưa được nhiều.

- Nguyên nhân:

+ Chưa được sự quan tâm của các cấp, các ngành đến việc hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

+ Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và hỗ trợ của nhà nước đối với các HTX nông nghiệp nói chung và hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng còn rất hạn chế.

+ Trình độ, năng lực quản lý của các hợp tác xã nông nghiệp còn thấp.

+ Thiếu đội ngũ tư vấn và thông tin về công nghệ nên phần lớn các hợp tác xã lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

[...]