Kế hoạch 14677/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 14677/KH-UBND
Ngày ban hành 26/11/2021
Ngày có hiệu lực 26/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Sơn Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14677/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 26 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH THƯ VIỆN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 5003/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Đồng Nai;

Thực hiện văn bản số 2587/BVHTTDL-TV ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện các nội dung Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình), nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành nhất là người làm công tác thư viện, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức triển khai thực hiện.

b) Vận dụng cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm chuyển đổi số theo hướng hiện đại; đảm bảo cung ứng dịch vụ nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện; đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai thực hiện Chương trình phải được tiến hành theo lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ từ tỉnh đến huyện, thành phố trong tỉnh, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

b) Việc triển khai thực hiện Chương trình phải gắn với việc thực hiện Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Kế hoạch số 331-KH/TU ngày 26 tháng 02 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

c) Thực hiện nội dung Chương trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tính khoa học và thực tiễn; sau khi triển khai thực hiện phải được ứng dụng rộng rãi và hòa hợp với hệ thống; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm theo đúng quy định.

II. THỰC TRẠNG CỦA NGÀNH THƯ VIỆN TỈNH ĐỒNG NAI

Từ năm 2003, hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được đầu tư xây dựng hệ thống thư viện điện tử, trong đó có 01 máy chủ đặt tại Thư viện tỉnh, kết nối với các thư viện cấp huyện phục vụ quá trình xử lý nghiệp vụ trong thư viện. Năm 2013, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Đồng Nai tiếp tục được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thư viện điện tử trên nền điện toán đám mây và đã đưa vào sử dụng.

Với việc đầu tư xây dựng thư viện điện tử trong thời gian qua, đã chuyển biến mạnh mẽ diện mạo ngành thư viện tỉnh Đồng Nai, từ thư viện truyền thống chuyển sang thư viện hiện đại, kịp thời thích ứng với xu hướng phát triển chung của ngành thư viện trong nước. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống thư viện lưu trữ nguồn tài nguyên thông tin tập trung lớn, công tác xử lý nghiệp vụ thuận tiện và bạn đọc đến thư viện tìm kiếm tài nguyên thông tin dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển chung của ngành thư viện, để hòa nhập với các thư viện trong khu vực và cả nước, cùng kết nối, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, ngành thư viện tỉnh Đồng Nai cần được tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu của người sử dụng thư viện trong thời gian tới.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động ngành thư viện tỉnh Đồng Nai giúp đột phá, hình thành phương thức tiếp cận mở, tạo điều kiện đổi mới hoạt động thư viện giúp người dân có thêm nhiều cơ hội và được tạo điều kiện tiếp cận thông tin, tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí mọi nơi, mọi lúc dễ dàng, thuận lợi.

Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số, nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện công cộng trên địa bàn Đồng Nai và hoàn thành mạng lưới thư viện điện tử; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Tập trung thực hiện số hóa tài nguyên thông tin thư viện, nhất là vốn tài liệu quý hiếm. Phát triển đổi mới sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện, thúc đẩy liên thông, kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong và ngoài tỉnh.

2. Mục tiêu chủ yếu năm 2025

a) 100% thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện với thư viện quốc gia, các thư viện trong và ngoài tỉnh.

b) Nâng cấp, hoàn thiện thư viện điện tử công cộng tỉnh Đồng Nai theo hướng hiện đại, gắn với việc triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa; 80% thư viện chuyên ngành, thư viện trường đại học và cao đẳng thuộc tỉnh, 60% thư viện các trường trung cấp, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập (trừ các dịch vụ thuộc phạm vi bí mật Nhà nước và dịch vụ đọc hạn chế).

c) 80% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh thu thập và quản lý được số hóa; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện trường đại học thuộc tỉnh thu thập và quản lý được số hóa.

[...]