Kế hoạch 146/KH-UBND về chống bệnh Dại trên người trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023

Số hiệu 146/KH-UBND
Ngày ban hành 01/08/2023
Ngày có hiệu lực 01/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Đặng Minh Thông
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 146/KH-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 01 tháng 08 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU NĂM 2023

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại; xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 156/TTr-SYT ngày 13/7/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên người trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023, như sau:

I. THỰC TRẠNG, DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH DẠI Ở NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Thực trạng bệnh Dại ở người trên địa bàn tỉnh

- Giai đoạn 2008 - 2013 trên địa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận 12 trường hợp tử vong do bệnh Dại (huyện Xuyên Mộc: 10, huyện Châu Đức: 03)

- Từ tháng 9/2013 sau khi triển khai tiêm vắc xin miễn phí cho tất cả người dân sinh sống trên địa bàn huyện Xuyên Mộc và Châu Đức. Từ năm 2014 cho đến nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh Dại

- Trong giai đoạn 2016-2020 hàng năm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 4.500 người tiêm vắc xin phòng bệnh Dại và 82 người tiêm Huyết thanh kháng Dại. Từ năm 2021-2022, do tình hình khan hiếm vắc xin nên hàng năm trung bình chỉ ghi nhận khoảng 2.664 người tiêm vắc xin phòng bệnh Dại và 63 người tiêm Huyết thanh kháng Dại.

- Tình hình tiêm vắc xin phòng bệnh Dại miễn phí cho người dân 02 huyện Xuyên Mộc và Châu Đức trong giai đoạn 2016-2020 là 6.202 người. Năm 2021- 2022 là 1.071 người.

2. Dự báo tình hình dịch bệnh Dại năm 2023

Trong năm 2022 Bà Rịa -Vũng Tàu là tỉnh không ghi nhận các ổ dịch bệnh Dại trên súc vật (8/8 huyện, thị xã, thành phố).

Tuy nhiên nhận thức của người dân còn hạn chế; việc vận động người dân nuôi chó, mèo thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Dại theo quy định cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nuôi và thả rong chó, mèo còn rất phổ biến tại các thôn, ấp; người dân ngoài tỉnh mang theo chó, mèo (đang lưu hành bệnh Dại) đến làm ăn sinh sống trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là rất lớn. Bên cạnh đó bệnh Dại có nguồn ổ chứa từ các loài động vật hoang Dại cho nên việc kiểm soát nguồn lây bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Do đó nguy cơ dịch bệnh Dại luôn hiện hữu và có nguy cơ bùng phát nếu không kiểm soát tốt.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Dại, giai đoạn 2022- 2030.

- Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn và giám sát phòng chống bệnh Dại trên người.

- Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023.

- Quyết định số 1549/QĐ-UBND ngày 25/05/2022 về phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2030.

- Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát được bệnh dại và không ghi nhận ca tử vong do bệnh Dại trên người, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân và cộng đồng trên tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp giữa ngành thú y và ngành Y tế trong công tác phòng chống bệnh Dại

- 100% cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tham gia, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại trên người.

- 100% các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch phối hợp giữa ngành y tế và ngành thú y trong công tác phòng chống bệnh Dại.

b) Nâng cao nhận thức của người dân về bệnh Dại và cách phòng chống

- 100% các huyện, thị xã, thành phố thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh Dại cho cộng đồng. Đặc biệt thực hiện truyền thông, cung cấp các kiến thức và cách phòng, chống bệnh Dại cho các hộ gia đình trong vùng trọng điểm, nguy cơ cao, đồng thời thực hiện truyền thông lồng ghép tại các trường học trên địa bàn.

- 100% các huyện/xã tổ chức chiến dịch truyền thông dưới nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp hoặc các kênh truyền thông truyền thông đại chúng, loa truyền thanh xã, thôn...

[...]