Kế hoạch 141/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình 07-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2020” do thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 141/KH-UBND |
Ngày ban hành | 21/07/2016 |
Ngày có hiệu lực | 21/07/2016 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Nguyễn Đức Chung |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2016 |
Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020”, Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 13/7/2016 của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
1. Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm các cấp chính quyền Thành phố và cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (PCTN, THTKCLP). Khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển Kinh tế - Xã hội của Thành phố.
2. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy. Xác định PCTN, THTKCLP là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài của Thành phố, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm của chính quyền và sự giám sát của HĐND các cấp.
3. Việc triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy đảm bảo toàn diện, đồng bộ; vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc tham nhũng, lãng phí. Xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Việc triển khai tổ chức thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 20/01/2010 của UBND Thành phố thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
4. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, công chính, liêm minh, có năng lực, chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ được giao; đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng về PCTN, THTKCLP.
- Các cấp, các ngành xác định công tác PCTN, THTKCLP là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tập trung chỉ đạo thực hiện. Kết quả công tác PCTN, THTKCLP là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về PCTN, THTKCLP theo quy định.
- Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Thành ủy, UBND Thành phố về PCTN, THTKCLP. Kịp thời xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Nghiêm túc thực hiện quy định về công khai kết quả xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, THTKCLP để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, dễ tiếp cận và đạt hiệu quả cao.
- Thực hiện tốt công tác thông tin, định hướng dư luận xã hội về công tác PCTN, THTKCLP. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật về PCTN, THTKCLP; kịp thời biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, cá nhân tiêu biểu trong việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình đưa tin sai sự thật, vu cáo gây mất đoàn kết nội bộ và sai lệch các chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN, THTKCLP.
- Hàng năm, các đơn vị xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, THTKCLP, đảm bảo tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quán triệt đầy đủ các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về PCTN, THTKCLP. Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin của ngành, địa phương mình và công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố cáo, phản ánh liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm về tham nhũng, lãng phí.
- Các sở, ban, ngành rà soát, tham mưu cho UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND Thành phố, đảm bảo thống nhất, phù hợp với các quy định của pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: tài chính ngân sách, tài chính doanh nghiệp, thuế, quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác cán bộ... Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đảm bảo thu nhập hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.
- Tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, thực hiện công khai minh bạch các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội, xóa bỏ cơ chế xin - cho . Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về rà soát, điều chỉnh Quy hoạch; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên; quản lý, sử dụng đất đai, công sở, tài nguyên khoáng sản đúng quy định, không lãng phí; khắc phục tình trạng thực hiện các dự án chậm tiến độ, đất đai để hoang hóa; kiên quyết cắt giảm các dự án đầu tư không hiệu quả.
- Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, tăng cường cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình số 08-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”.
- Thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 05/KH-TU ngày 25/02/2016 của Thành ủy. Thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; nâng cao chất lượng dịch vụ công; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chú trọng số hóa nội dung quản lý nhà nước trong các lĩnh vực trọng yếu như: tài chính, đất đai tài nguyên - môi trường, quy hoạch - kiến trúc, đầu tư, xây dựng... để phục vụ công dân, doanh nghiệp, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, chỉ đạo Thanh tra nhà nước các cấp và thanh tra chuyên ngành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực có nguy cơ dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: quản lý sử dụng đất đai; tài nguyên, khoáng sản; đầu tư, mua sắm công; tài chính doanh nghiệp; thu, chi ngân sách; quản lý tài sản công; tín dụng - ngân hàng; công tác tổ chức, cán bộ ....Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; chú trọng đến việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi tài sản và xử lý trách nhiệm các cá nhân tập thể có sai phạm. Đảm bảo 100% các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra chuyên ngành khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng phải chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
- UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành và các đơn vị trực thuộc Thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản” và các quy định của pháp luật về minh bạch tài sản thu nhập để phòng ngừa tham nhũng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc nhận quà và nộp lại quà tặng theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; kịp thời xử lý, giải quyết các phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Cơ quan Công an Thành phố, Thanh tra Thành phố chủ động, tích cực trong phát hiện, xử lý, điều tra các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Các đơn vị tập trung thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí; xử lý theo quy định các trường hợp cản trở, không chấp hành các quy định về xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính Trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.