Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 1387/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2030

Số hiệu 1387/KH-UBND
Ngày ban hành 22/04/2021
Ngày có hiệu lực 22/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Dương Thái
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1387/KH-UBND

Hải Dương, ngày 22 tháng 04 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2020- 2030

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 06 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Căn cứ Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030;

Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025;

Căn cứ Quyết định số 4930/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 -2025, có xét đến năm 2035-Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 kV;

Căn cứ Quyết định 3130/QĐ-UBND ngày 28 tháng 08 năm 2018 của UBND Tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Trên cơ sở Thông báo số 44/TB-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2021 của UBND tỉnh về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3 năm 2021;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 575/TTr-SCT ngày 20 tháng 4 năm 2021 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2030.

UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020- 2030, cụ thể như sau:

I. Thông tin chung về tình hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Tỉnh

Trên cơ sở số liệu ước tính được Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh (GRDP theo giá 2010) ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp thứ 2 (năm 2015 – 8,2%) trong vòng 5 năm trở lại đây, cao hơn bình quân cả nước (ước tăng gần 7,0%); thấp hơn một số tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS) giảm 3,1%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,9% (công nghiệp +12,2%, xây dựng +10,1%); dịch vụ tăng 6,7%.

Đóng góp vào tăng trưởng chung 8,6%, nhóm ngành NLTS làm giảm 0,3%; công nghiệp, xây dựng đóng góp 6,7% (trong đó, công nghiệp đóng góp 6,1%, xây dựng đóng góp 0,6%); dịch vụ đóng góp 2,2%.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; cơ cấu kinh tế ước đạt 8,8% - 59,7% - 31,5% (năm 2018 là 9,9% - 57,3% - 32,8%).

Ngành NLTS năm 2018 tăng trưởng cao (+5,9%) nên đóng góp làm tăng GRDP 0,7%; tuy nhiên năm 2019 ước giảm 3,1% đã kéo “lùi” tăng trưởng của tỉnh xuống 0,3%. Đây là nguyên nhân chính làm cho GRDP của tỉnh tăng thấp hơn năm trước 0,7% (NLTS làm giảm 01%); nguyên nhân do giá trị, sản lượng cây lúa, cây vải giảm, chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Ngành công nghiệp, xây dựng của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 13,5%, đó là nhờ sự đóng góp chủ lực của các ngành sản xuất sản phẩm điện tử; ngành sản xuất trang phục; ngành sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng... Ngành xây dựng vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, tốc độ tăng 10,1%, đóng góp 0,6% vào mức tăng trưởng chung.

Cùng với đó là nhu cầu sử dụng năng lượng của tỉnh giai đoạn 2016 -2019 tăng cao, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ năng lượng bình quân tăng khoảng 14,82%. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng cao, điện năng tiêu thụ của các ngành NLTS; công nghiệp, xây dựng; thương mại dịch vụ, quản lý tiêu dùng và các hoạt động khác có mức tăng trưởng lần lượt: 22,88%, 4,66%, 7,13%, 9,19%, 3,94% và 9,59%.

Cùng với tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên nguyên liệu hóa thạch và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là xu hướng đang được toàn thế giới quan tâm và khuyến khích Đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khai thác hợp lý các nguồn năng lượng sạch và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững và an ninh năng lượng. Theo đó hàng năm, UBND tỉnh giao Sở Công Thương và các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã đạt được một số kết quả sau: i) Thông qua công tác tuyên truyền, đã nâng cao nhận thức của cộng đồng người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần tích cực trong việc điều hòa cân bằng phụ tải, giảm thiểu số lần mất điện do quá tải cục bộ vào các giờ cao điểm, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh; ii) Các mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời được ứng dụng vào trong thực tế góp phần hạn chế việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững; iii) Thông qua kiểm toán năng lượng đã giúp các doanh nghiệp triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương; iv) Các hoạt động trên đã góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh.

Bên những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn một số khó khăn, thách thức: (i1) Nguồn kinh phí triển khai các giải pháp kỹ thuật trong chương trình tiết kiệm năng lượng còn hạn chế; (i2) Một bộ phận không nhỏ cơ sở, cá nhân sử dụng năng lượng chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (i3) Kinh phí Đầu tư, thay đổi dây chuyền sản xuất lớn, do đó việc thay đổi chưa được đồng bộ, chủ yếu là sửa chữa, khắc phục; (i4) Đội ngũ Người quản lý năng lượng tại các cơ sở năng lượng trọng điểm chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa nắm rõ và triển khai được triệt để trách nhiệm và nhiệm vụ của mình...

II. Mục tiêu chung

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hải Dương;

- Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội, tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

- Triển khai đồng bộ các hoạt động của Chương trình, tạo bước chuyển biến đột phá trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp; công trình xây dựng sử dụng nhiều năng lượng; các tòa nhà công, chiếu sáng công cộng; giao thông vận tải; hoạt động dịch vụ, hộ gia đình; phổ biến phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững;

- Tăng cường công tác kiểm soát, quản lý các dự án Đầu tư sử dụng năng lượng, hạn chế sử dụng tài nguyên gây ô nhiễm môi trường.

[...]