Kế hoạch 1385/KH-UBND năm 2020 về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020-2025

Số hiệu 1385/KH-UBND
Ngày ban hành 07/08/2020
Ngày có hiệu lực 07/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1385/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 07 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Căn cứ Quyết định 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em;

Căn cứ Quyết định số 406/QĐ-LĐTBXH ngày 10/4/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025;

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, với các nội dung sau:

I. THỰC TRẠNG TRẺ EM BỊ BẠO LỰC, XÂM HẠI

Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng trẻ em đang phải sống trong môi trường thiếu an toàn và lành mạnh. Các em vẫn phải đối diện với nhiều nguy cơ, hiểm họa về bạo lực, xâm hại. Từ năm 2015 đến năm 2019, toàn tỉnh có 65 trẻ em bị xâm hại, trong đó: bạo lực: 27 em; xâm hại tình dục: 32 em; bỏ rơi, bỏ mặc trẻ 3 em; các hình thức gây tổn hại khác, như: bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn và các hành vi xâm hại khác 3 em. Số vụ và số trẻ em bị bạo lực, xâm hại có xu hướng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do: công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn có mặt hạn chế; nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng mực, chưa đầy đủ; nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội; cha mẹ chưa hướng dẫn cụ thể những kiến thức cơ bản để các em chủ động phòng tránh bạo lực, xâm hại hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội. Một số gia đình chưa thực sự quan tâm, giám sát trẻ em do nhiều lý do khác nhau, như: nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... là những nguyên nhân dẫn đến trẻ em bỏ học, kiếm sống, bị bạo lực, bị xâm hại; môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, như: xuất hiện những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm...

Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình và trẻ em dễ dàng tiếp cận với những tiến bộ của thế giới thì mặt trái là những trang mạng, thông tin không lành mạnh chưa được kiểm soát làm cho các hành vi bạo lực, hành hạ, ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em, mua dâm người chưa thành niên có nguy cơ gia tăng. Công tác quản lý người bị bệnh tâm thần, người sử dụng chất kích thích (ngáo đá) chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn đối với trẻ em.

II. MỤC TIÊU

1. Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

2. Phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi.

3. Phấn đấu 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ em bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục.

4. 100% cơ sở y tế cấp huyện, cấp xã được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

5. 100% cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cha mẹ và trẻ em

a) Tuyên truyền, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi trong việc bảo vệ trẻ em. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình tư vấn, giáo dục về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.

b) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động xã hội về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Tăng cường đối thoại về bạo lực, xâm hại với trẻ em thông qua các diễn đàn, các cuộc thảo luận tại cộng đồng.

c) Xây dựng và phổ biến các chương trình, sản phẩm, tài liệu tuyên truyền về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng.

d) Tổ chức Hội nghị, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, truyền thông về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em góp phần làm thay đổi nhận thức, quan điểm, hành vi ứng xử với trẻ em.

đ) Quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), Tổng đài hỗ trợ dịch vụ Công tác xã hội của tỉnh 18009293 để mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân biết, thực hiện trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đến cơ quan có thẩm quyền.

2. Phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong các cơ sở giáo dục

a) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về nhận diện, phát hiện, thông báo, tố giác; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

b) Nghiên cứu, tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào kế hoạch giáo dục của nhà trường; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với trẻ em.

c) Nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

d) Hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong các cơ sở giáo dục. Thiết lập, vận hành hiệu quả các kênh thông tin về bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; tăng cường phối hợp trong giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.

[...]