Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 241/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 241/KH-UBND
Ngày ban hành 28/10/2023
Ngày có hiệu lực 28/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 241/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 28 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG, GIAI ĐOẠN 2021-2030

Thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 (viết tắt là Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022).

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện hiệu quả Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia tích cực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề.

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ và Nhân dân về Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề. Cụ thể hoá, triển khai thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề của tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 và tình hình thực tế của địa phương.

2. Yêu cầu

Triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề của tỉnh phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân. Bám sát quan điểm chỉ đạo, các định hướng và các nhiệm vụ trọng tâm; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện phải toàn diện, có tính khả thi, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, kế hoạch Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề và yêu cầu phát triển của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, sử dụng triệt để nguồn lao động tại chỗ, đồng thời tận dụng được nguồn nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để phục vụ sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2025

- Trên 80% làng nghề đã được công nhận hoạt động có hiệu quả, trong đó 100% làng nghề được công nhận có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 80% làng nghề có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu theo quy định.

- 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản.

- 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

2.2. Đến năm 2030

2.2.1. Khôi phục, bảo tồn được ít nhất 03 nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền trong các nghề sau:

- Nghề dệt Thổ cẩm Lâm Bình (xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Bình An và thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình).

- Nghề nấu rượu men lá (xã Phúc Yên, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Bình An và thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình).

- Nghề dệt Thổ cẩm, thôn Tân Thành, xã Yên Hoa, huyện Na Hang.

- Nghề vẽ sáp ong, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang.

- Nghề thêu Thổ cẩm đồng bào Dao (thôn Bản Ba 1 và Bản Ba 2, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá).

- Nghề Mắm cá ruộng (xã Trung Hà, Hoà Phú và xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá).

2.2.2. Công nhận nghề truyền thống, làng nghề mới, có 01 đến 02 làng nghề gắn với phát triển du lịch trong các làng nghề sau:

+ Làng nghề Chè Vĩnh Tân, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.

[...]