Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 13784/KH-UBND năm 2020 về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 13784/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2020
Ngày có hiệu lực 31/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Đinh Văn Thiệu
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13784/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông qua công tác triển khai các đề án, dự án, kế hoạch về CNTT, kết hợp với việc thực thi các giải pháp về xây dựng môi trường chính sách, xây dựng nguồn nhân lực, tổ chức triển khai, tài chính, tuyên truyền phổ biến,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ứng dụng CNTT phát triển mạnh. Hiệu quả công tác quản lý nhà nước được nâng cao. Môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được cải tiến theo hướng hiện đại. Nguồn nhân lực CNTT từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh. Năng suất, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được cải thiện. Mức độ hài lòng của người dân ngày một tăng cao. Chính quyền điện tử của tỉnh từng bước được hình thành, phù hợp với bối cảnh phát triển của tỉnh và định hướng phát triển Chính phủ điện tử, cơ bản đảm bảo thực hiện được các mục tiêu mà tỉnh đã đề ra. Những kết quả cụ thể như sau:

I. MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ

Giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh ban hành 06 văn bản quy phạm pháp luật, 35 quyết định, 15 kế hoạch, 01 chỉ thị, bao gồm: Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0, Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm và các nội dung khác phục vụ hoạt động quản lý, tổ chức triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh,... (Danh mục văn bản thể chế hóa giai đoạn 2016 - 2020 tại Phụ lục I đính kèm).

Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh đối với lĩnh vực CNTT cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động phát triển ứng dụng CNTT tại địa phương. Hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử và đảm bảo an toàn thông tin mạng phục vụ cải cách hành chính (CCHC), phục vụ cung cấp, trao đổi thông tin với người dân cơ bản đáp ứng yêu cầu và được triển khai áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và ban hành hệ thống văn bản nhằm bổ sung, hoàn thiện các quy định về triển khai xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh.

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Hạ tầng CNTT dùng chung của tỉnh đã được nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được an toàn, thông suốt. 100% cơ quan, địa phương được đầu tư trang thiết bị CNTT, lắp đặt hệ thống mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao; 28/28 cơ quan kết nối mạng diện rộng của tỉnh; 231 điểm kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối Internet phục vụ công tác chuyên môn. Trung tâm Dữ liệu tỉnh được vận hành ổn định (triển khai giải pháp sao lưu dữ liệu dự phòng, thuê không gian lưu trữ, mô hình điện toán đám mây), các thiết bị phần cứng, phần mềm cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, an ninh thông tin.

III. CÁC HỆ THỐNG NỀN TẢNG

Triển khai hiệu quả các hệ thống thông tin (HTTT) nền tảng, dùng chung của Quốc gia: Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC), HTTT về văn bản quy phạm pháp luật, HTTT lý lịch tư pháp, HTTT quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hệ thống CSDL quốc gia về khiếu nại, tố cáo, giúp xây dựng môi trường nhập dữ liệu và khai thác dữ liệu thống nhất từ Trung ương tới địa phương trên môi trường mạng; cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin quản lý.

Xây dựng và triển khai có hiệu quả các HTTT nền tảng, dùng chung của tỉnh: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (E-Office), Phần mềm Một cửa điện tử; Chứng thư số chuyên dùng, Cổng thông tin điện tử, Phần mềm Quản lý cán bộ công chức, Phần mềm Quản lý việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Thư điện tử công vụ.

IV. PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU

Các CSDL dùng chung về cung cấp dịch vụ công (CSDL TTHC, CSDL khách hàng, CSDL người dùng, CSDL kết quả giải quyết TTHC) đã được xây dựng, hoàn thiện, sẵn sàng kết nối, liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các CSDL ứng dụng HTTT địa lý (GIS) dùng chung (CSDL nền địa hình, CSDL địa chính, CSDL quy hoạch sử dụng đất, đô thị, giao thông tỉnh, đầu tư, CSDL hiện trạng sử dụng đất, xây dựng, dự án đầu tư, thống kê), các HTTT và CSDL GIS chuyên ngành về y tế, du lịch, viễn thông, phòng cháy - chữa cháy được xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2020; hiện đang tiếp tục triển khai xây dựng CSDL GIS hạ tầng (CSDL hiện trạng hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước, mạng lưới điện, khu công nghiệp - kinh tế) và các HTTT chuyên ngành quản lý khu kinh tế, giao thông, thống kê 4 cấp, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước thuộc phạm vi đầu tư Dự án ứng dụng HTTT địa lý vào quản lý cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa.

- Tiếp tục cập nhật, mở rộng và phát triển các CSDL chuyên ngành về quản lý đất đai, đăng ký kinh doanh, dự án đầu tư, khám chữa bệnh, cấp phép xây dựng, cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết kiến nghị cử tri, người có công, xác nhận khuyết tật, trường học, chất lượng giáo dục, quản lý cầu, xe cơ giới, đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe, an toàn bức xạ hạt nhân, quản lý ngân sách, nhân sự, tiền lương, tài sản công, báo cáo giá, Tabmis, xử lý chồng chéo và trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, lý lịch tư pháp,...

V. CÁC ỨNG DỤNG, DỊCH VỤ

Các ứng dụng CNTT được đầu tư phát triển kịp thời, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành, lĩnh vực và đặc biệt là phục vụ công tác CCHC, cụ thể:

- Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đồng bộ đến toàn bộ các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỉ lệ văn bản đi/đến được chuyển trên môi trường mạng (hoàn toàn điện tử, vừa điện tử vừa giấy) đạt 98%. Hoàn thành kết nối, liên thông và trao đổi văn bản điện tử giữa Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với Hệ thống của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Đến nay, 100% văn bản đi của tỉnh được ký số và gửi đi thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản trao đổi đi, đến giữa UBND tỉnh với các bộ, ngành, địa phương khác qua Trục liên thông trung bình trên 1.180 văn bản/tháng.

- 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm Một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. Đến nay, toàn tỉnh đã tích hợp và công khai 1.829 TTHC với 2.096 quy trình thực hiện, đều được gắn mã định danh ngành, lĩnh vực, thủ tục đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia; 331 TTHC mức độ 3 và 300 TTHC mức độ 4; 986 TTHC được tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích và 351 TTHC cho phép thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ được công bố tiếp nhận, giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, 4 trung bình đạt trên 50%. Trong đó tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng trung bình đạt 51%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng trung bình đạt 41,6%.

Tổng số hồ sơ được tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích là 103.076 hồ sơ, trong đó tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả 71.107 hồ sơ, chuyển trả kết quả 31.969 hồ sơ.

- Ngành Thuế tiếp tục triển khai các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế kê khai thuế trực tuyến, in hồ sơ thuế bằng mã vạch hai chiều, kê khai thông tin lưu trú trực tuyến, hoàn thuế điện tử,...nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho người nộp thuế. Tỷ lệ hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng trung bình đạt 97,83%, tỷ lệ hồ sơ số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng trung bình đạt 99,72%.

- 100% các cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh đáp ứng quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, và Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- 100% cơ quan hành chính các cấp, đơn vị sự nghiệp trực thuộc, đơn vị sự nghiệp giáo dục triển khai, sử dụng phần mềm Quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tỷ lệ cập nhật thông tin hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trên phần mềm đạt 75%.

- 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh, cơ quan ngành dọc Trung ương và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng phần mềm Quản lý việc giải quyết kiến nghị của cử tri; phục vụ công tác quản lý, theo dõi, tham mưu, giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh và giúp các tổ chức, doanh nghiệp, người dân có thể tra cứu tiến độ, nội dung trả lời đối với từng kiến nghị.

- 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh và huyện triển khai, sử dụng phần mềm “Nhắc việc”, hạn chế tình trạng chậm trễ, bỏ sót công việc, nhiệm vụ do UBND tỉnh và Thường trực UBND tỉnh giao cho các cơ quan, địa phương thực hiện; nâng cấp chức năng “nhắc việc” cho phép theo dõi, “nhắc việc” trong nội bộ các cơ quan, địa phương. Từ khi triển khai phần mềm đến tháng 9/2020, trong số 44.239 công việc, nhiệm vụ được giao trên phần mềm, có 40.433 nhiệm vụ xử lý đúng hạn, 3.806 nhiệm vụ trễ hạn, tỷ lệ trễ hạn chiếm 8,6%.

- Trên 4.600 tài khoản thư điện tử đã được cấp cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh phục vụ trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

[...]