Kế hoạch 137/KH-UBND năm 2023 về cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2028

Số hiệu 137/KH-UBND
Ngày ban hành 26/04/2023
Ngày có hiệu lực 26/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 26 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ PHÊ DUYỆT TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2023-2028

Thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước; Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 19/10/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023- 2028 với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước (nước mặt, nước ngầm, nước biển); phòng chống suy thoái, cạn kiệt và lãng phí nguồn tài nguyên nước; bảo vệ, phân bổ tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra bảo đảm cấp đủ nước cho cộng đồng dân cư và cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Tăng nguồn thu ngân sách từ việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.

2. Yêu cầu:

- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải lập hồ sơ xin phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đối tượng phải nộp tiền cấp quyền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn thành phố biết, thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Thống kê, rà soát lập danh sách các tổ chức, cá nhân đang khai thác sử dụng tài nguyên nước lập hồ sơ xin phép khai thác, hồ sơ xin phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

- Rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất thuộc đối tượng xin cấp giấy phép phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định, đảm bảo thực hiện đúng theo Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 19/10/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Đến hết năm 2028, phấn đấu cấp Giấy phép tất cả các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước đủ điều kiện trên địa bàn thành phố, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái pháp luật.

II. ĐỐI TƯỢNG PHẢI XIN CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

1. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải xin cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 của Chính phủ, gồm:

- Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định tại các điểm a, c, d và điểm đ khoản 1 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước.

- Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước bao gồm:

+ Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước;

+ Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100 m3/ngày đêm;

+ Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m3 hoặc công trình khai thác nước mặt khác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây;

Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m3 có quy mô khai thác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vượt quá 0,1 m3/giây hoặc có các mục đích khai thác, sử dụng nước khác có quy mô khai thác vượt quá quy định tại điểm b, điểm đ khoản này thì phải thực hiện đăng ký hoặc xin phép theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này.

+ Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW;

+ Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động trên biển, đảo.

2. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải có giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 của Chính phủ, bao gồm:

- Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 và khoản 1 Điều này;

- Các trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện để cấp cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác nước cho hoạt động làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt) mà tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện này chưa được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích nêu trên.

III. ĐỐI TƯỢNG PHẢI NỘP TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước:

1. Đối với khai thác nước mặt:

[...]