Kế hoạch 137/KH-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý thuế trong hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 137/KH-UBND
Ngày ban hành 28/07/2020
Ngày có hiệu lực 28/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 28 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều quyết sách quan trọng giúp môi trường đầu tư thông thoáng, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Cùng với sự chuyển biến rõ rệt của nền kinh tế tỉnh nhà, ngành nghề kinh doanh trong một số lĩnh vực cũng tăng nhanh cả về số lượng lẫn quy mô, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng công trình như: công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác. Lĩnh vực xây dựng không mang tính ổn định, mỗi dự án đầu tư thường do nhiều đơn vị cùng tham gia thực hiện, nhà thầu thi công cũng thay đổi theo từng giai đoạn. Quá trình thi công các công trình xây dựng bị tác động nhiều bởi yếu tố tự nhiên, chu kỳ sản xuất dài, chi phí sản xuất lớn. Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật về thuế của một bộ phận người nộp thuế (NNT) trong lĩnh vực xây dựng chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến số thuế phải nộp không phản ánh đúng thực tế, thất thu thuế vẫn còn xảy ra.

Để công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân (UBND) các địa phương với cơ quan Thuế góp phần quản lý hiệu quả hoạt động xây dựng trên địa bàn, phù hợp với quy định của pháp luật. UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý thuế trong hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp, sự chủ động phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong công tác quản lý thuế nhằm ngăn ngừa và chống thất thu thuế một cách có hiệu quả đối với hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của NNT trong việc thực hiện các quy định của pháp luật nói chung và chính sách thuế nói riêng; tạo sự công bằng trong việc thục hiện nghĩa vụ thuế, tạo môi trường cạnh tranh lành manh; đảm bảo tính khách quan, công khai minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong việc tuân thủ pháp luật thuế, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế trong hoạt động xây dựng.

- Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu và chống thất thu có hiệu quả; góp phần phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN được giao. Tạo bước chuyển biến trong công tác quản lý thuế hoạt động xây dựng, từ đó nâng cao trách nhiệm của công chức trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hiệu lực trong quản lý thuế.

2. Yêu cầu

2.1 Yêu cầu chung

- Thực hiện công tác quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; thông qua công tác phối hợp quản lý thuế, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020 và các năm tiếp theo.

- Kết hợp các biện pháp kiểm tra, gỉám sát với vận động, tuyên truyền, đấu tranh để NNT tự giác thực hiện đúng các quy định về khai thuế, nộp thuế nhằm đảm bảo sát với thực tế phát sinh.

2.2 Yêu cầu cụ thể

Quy định trách nhiệm của NNT, cơ quan Thuế, các sở, ban ngành, UBND các địa phương trong công tác quản lý thuế đối với các hoạt động xây dựng công trình bằng nguồn vốn NSNN, nguồn vốn ngoài NSNN, xây dựng công trình nhà ở tư nhân, nhà thầu thi công hoàn thiện nhà xây thô thuộc các dự án bất động sản.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Người nộp thuế

- Thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế theo quy định tại Điều 7 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 (từ ngày 01/7/2020 theo Điều 17 Luật Quản lý thuế sổ 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019).

- Có trách nhiệm phối hợp và thực hiện nghiêm túc khi các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng.

- Cung cấp đầy đủ, chính xác các tài liệu liên quan đến việc xác đinh nghĩa vụ thuế ngay khi phát sinh hoạt động xây dựng, như; Hợp đồng, dự toán, hoá đơn, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, giá trị khối lượng được thanh toán,... cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Cơ quan Thuế

- Tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách thuế liên quan đến lĩnh vực xây dựng nhằm nâng cao ý thức tự giác của NNT, đưa việc quản lý thuế trong lĩnh vực xây dựng đi vào nền nếp, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.

- Hướng dẫn NNT thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế và quyết toán thuế đối với hoạt động xây dựng. Yêu cầu NNT cung cấp thông tin liên quan phục vụ công tác quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ khai, nộp thuế, phí... của NNT có hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí trong hoạt động xây dựng. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn, ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ...

- Chủ động phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan khi có phát sinh công trình, tiến độ thi công và tình hình thanh toán vốn,... để kịp thời theo dõi đưa vào quản lý thuế.

3. Các sở, ban, ngành, UBND các địa phương

3.1. Sở thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với cơ quan Thuế đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế trong hoạt động xây dựng, đặc biệt là xây dựng nhà ở tư nhân, thuế nhà thầu thi công hoàn thiện nhà xây thô thuộc các dự án bất động sản để mọi tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện tốt pháp luật thuế.

[...]