Kế hoạch 135/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 135/KH-UBND
Ngày ban hành 14/09/2022
Ngày có hiệu lực 14/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/KH-UBND

Thái Nguyên, ngày 14 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; trên cơ sở kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2021; để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; sau khi xem xét đề nghị của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tại Tờ trình số 239/TTr-VPĐP ngày 18/8/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình OCOP), với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển các sản phẩm có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa nhằm phát huy nội lực, sức sáng tạo, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Bám sát quan điểm, mục tiêu Chương trình OCOP của Trung ương và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, nhất là cấp huyện, xã trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa); thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu ít nhất toàn tỉnh có ít nhất 150 sản phẩm OCOP (sản phẩm mới) được công nhận đạt từ 03 sao trở lên;

- Củng cố, nâng cấp 02 sản phẩm OCOP đã đạt 05 sao và phát triển mới ít nhất 04 sản phẩm OCOP đạt 05 sao;

- Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn;

- Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 70% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 20% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Có ít nhất 80% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp ít nhất 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm OCOP, Chương trình OCOP; đào tạo tập huấn kiến thức về Chương trình OCOP.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến cấp xã, thôn, gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các Cổng thông tin điện tử (website), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang...), hệ thống loa truyền thanh,...; xây dựng pano, áp phích, khẩu hiệu về Chương trình OCOP tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí viết bài tuyên truyền, xây dựng clip, phóng sự tuyên truyền về Chương trình OCOP.

- Tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể OCOP, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP.

- Khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh làm tặng phẩm cho du khách, làm quà tặng trong các dịp lễ, tết, hội nghị, hội thảo,... gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

2. Tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP và chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp. Kiện toàn, bổ sung nhiệm vụ tổ chức triển khai Chương trình OCOP theo tổ chức bộ máy của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

[...]